Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/5, TTCK Việt Nam đóng cửa với sắc xanh chủ đạo. Các chỉ số chứng khoán ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ phiên 12/2 khi chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 35,46 điểm (3,45%) lên 1.062,26 điểm; Hnx-Index tăng 3,98 điểm (3,25%) lên 126,55 điểm và UPCom-Index tăng 0,61 điểm (1,08%) lên 56,72 điểm.
Dòng cổ phiếu ngân hàng một lần nữa thể hiện vai trò đầu tàu dẫn dắt chỉ số khi đóng góp nhiều nhất cho mức tăng của chỉ số.
Đáng kể nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng, hai mã BID và CTG đều được kéo lên mức giá trần, trong đó, BID khớp lệnh 3,6 triệu cổ phiếu còn CTG khớp 6,3 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu ngân hàng khác là VPB, ACB, VCB, MBB, SHB… cùng đồng loạt tăng rất mạnh.
Ngoài ra, các cổ phiếu có mức vốn hóa lớn như ROS, SAB cũng được kéo trần giúp củng cố mức tăng của thị trường. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn là điểm đáng lo ngại trong phiên giao dịch hôm nay khi khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 223,8 triệu cổ phiếu, trị giá 6.000 tỷ đồng, trong đó có 1.600 tỷ đồng là giao dịch thỏa thuận.
Trong chiều cùng ngày, Báo Trí thức trẻ và CafeF đã tổ chức hội thảo bàn luận về mốc tâm lý 1.000 điểm của chỉ số VN-Index và dự đoán diễn biến của thị trường trong thời gian tới. Bình luận về phiên giao dịch ngày 07/5, các chuyên gia của các ctck đã chia sẻ những nhận định khác nhau:
Ông Lê Anh Minh- Giám đốc phân tích- CTCK VBPS: Xác suất cao thị trường đã tạo đáy tại 1.003 điểm
Phiên tăng giá hôm nay mạnh hơn suy đoán của tôi, điều đó cho thấy dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại. Thị trường lại một lần nữa chứng khiến sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi có rất nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh trong phiêm hôm nay.
Ngoài ra phiên tăng giá hôm nay còn cho thấy dòng tiền bên ngoài chờ đợi cơ hội là rất lớn, và thể hiện sự sẵn sàng tham gia khi thị trường điều chỉnh về mức mà họ cho là hợp lý để mua vào.
Không thể loại bỏ khả năng thị trường thủng 1.003 điểm- mức điểm thấp nhất của đợt giảm giá vừa rồi. Trong bối cảnh "volatility" (sự biến động) của thị trường thế giới ở mức cao sau những quan ngại về chiến tranh thương mại thì mức độ biến động của ttck Việt Nam cũng sẽ có những phiên tăng giảm mạnh.
Tuy nhiên, khả năng chỉ số VN-Index thủng mốc 1.003 điểm là không nhiều. Có thể thị trường sẽ có phiên nhúng xuống dưới mức điểm này để tạo mô hình 2 đáy. Đặc biệt sau phiên tăng giá hôm nay, VPBS cho rằng xác suất thủng mốc 1.003 trong năm nay là dưới 10%. Thị trường sẽ có sự tích lũy trong giai đoạn này, và có thể kết thúc năm 2018 ở mức khoảng 1.130 điểm.
Ông Dương Văn Chung- Giám đốc khu vực miền Bắc- CTCK MBS: Nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật ngắn hạn, chưa phải Uptrend lớn
Tôi đánh giá nhịp hồi phục này đã bắt đầu từ thứ 5 tuần trước tại 1.003 và đã tăng 3 phiên rồi. Tôi đánh giá đây là nhịp hồi phục kỹ thuật, chưa phải uptrend lớn. Thị trường chủ yếu tăng dựa trên những mã có tính chất giảm sâu, bật mạnh lại mà chưa đến nhiều về yếu tố cơ bản.
3 phiên vừa qua hồi phục với thanh khoản thấp nên tôi nghi ngờ về tính bền vững. Dù vậy, tôi vẫn kỳ vọng nhịp hồi phục này tính bằng tuần, tối đa 1.128 điểm chứ không phải nhịp hồi phục T+.
Nhà đầu tư có tỉ lệ tiền mặt cao và có khả năng nắm bắt tốt diễn biến của thị trường thì nên "Trading in May" trong 2-3 tuần đầu tiên của tháng 5 với mức biên độ kỳ vọng mỏng. Còn nhà đầu tư có tỷ lệ cổ phiếu cao thì không nên mua đuổi, thay vào đó, họ nên tập trung quản trị danh mục hiện tại cho tốt.
Về mặt điểm số, tôi cho rằng mức đỉnh của thị trường, tức là mốc 1.200 điểm thì đã đi qua, còn đáy thì chưa tới.
Tại thời điểm hiện nay, P/E hơn 18 lần, nhiều người cho rằng đây là đủ, nhưng tôi cho rằng thị trường cần phải điều chỉnh về mức P/E 16.x, tương đương dưới 950 điểm.
Tôi dự báo vào tháng 7, tháng 8 thị trường có thể về vùng đó. Và những nhà đầu tư có mục tiêu trung hạn có thể giải ngân khi thị trường giảm xuống mức 950 điểm.