V.League thiếu gì tiền đạo, tại sao thầy Park phải trông đợi vào cầu thủ Việt kiều?

Linh Đan (Ảnh: Đông Anh) |

Theo kế hoạch, HLV Park Hang-seo sẽ lên đường sang châu Âu vào hôm nay để trực tiếp "xem giò" một số cầu thủ Việt kiều.

Những động thái mới đây từ phía VFF và HLV Park Hang-seo cho thấy ĐT Việt Nam luôn sẵn sàng mở cửa chào đón các cầu thủ Việt kiều và các bên liên quan đã vạch ra những bước đi cụ thể để tận dụng nguồn lực này.

Trong số những cái tên được truyền thông chú ý nhiều nhất, Alexander Dang nhận đánh giá khá "sáng cửa" để khoác áo ĐT Việt Nam vào thời điểm này. Thậm chí giới chuyên môn còn "dành" cho tiền đạo đang thi đấu tại giải hạng Nhất Na Uy một suất đá chính trên hàng công.

Vậy nguyên nhân vì đâu lại khiến cho một chân sút đã 29 tuổi, không biết nói tiếng Việt và thậm chí chưa có quốc tịch Việt Nam nhận được sự ưu ái lớn đến như vậy?

V.League thiếu gì tiền đạo, tại sao thầy Park phải trông đợi vào cầu thủ Việt kiều? - Ảnh 1.

Thực trạng tiền đạo nội ở V.League: Những con số biết nói

V.League 2019 đã trải qua được 1/4 quãng đường và những diễn biến trong 7 vòng đấu vừa qua đủ để đưa ra những đánh sơ bộ về giải đấu năm nay.

Thống kê cho thấy, có 103 bàn thắng được ghi sau 49 trận đấu và gần như tất cả các đội bóng đều phụ thuộc vào khả năng ghi bàn của ngoại binh cũng như các cầu thủ nhập tịch

Dẫn đầu danh sách Vua phá lưới lúc này đang là Hoàng Vũ Samson (Hà Nội) với 6 bàn. Đứng ngay sau Samson, có 5 cầu thủ ghi được 4 bàn nhưng tiền đạo nội thì chỉ có Văn Toàn, còn lại đều là những ngoại binh: Jermie Lynch (Hải Phòng), Walsh Chevaughn (HAGL), Vinicius (TP.HCM) và Pedro Paulo (Sài Gòn).

Nhìn xuống thấp hơn, danh sách này có 10 cầu thủ ghi được 3 bàn, nhưng chỉ có 3 trong số đó là người Việt, gồm: Anh Đức (B.Bình Dương), Trùm Tỉnh (S.Khánh Hòa BVN) và Hải Huy (Than Quảng Ninh).

V.League thiếu gì tiền đạo, tại sao thầy Park phải trông đợi vào cầu thủ Việt kiều? - Ảnh 2.

Chỉ cần nhìn vào bảng xếp hạng Vua phá lưới cũng có thể thấy tình trạng V.League hiện tại và chỉ ra nguyên nhân vì sao các cấp độ đội tuyển trong suốt thời gian qua vẫn luôn đau đầu vì khan hiếm mẫu tiền đạo cắm.

Tất cả các đội bóng tại V.League đều sử dụng tiền đạo ngoại, đặc biệt là cầu thủ châu Phi với tốc độ, cản lướt, tì đè và khả năng săn bàn vượt trội hơn hẳn cầu thủ Việt. Điều này khiến cho các tiền đạo nội phải chấp nhận chơi dạt cánh nhiều hơn vì không cạnh tranh được vị trí.

Anh Đức là tiền đạo cắm số 1 của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2018, nhưng khi về Bình Dương, anh cũng phải dạt sang cánh trái để nhường chỗ cho Wander Luiz.

Hay như Đức Chinh tại SHB Đà Nẵng chủ yếu được xếp đá thấp hơn tiền đạo, phải hoạt động rộng để hỗ trợ cho Merlo và Victor. Tiền đạo sinh năm 1997 phải chơi khá rộng, trải từ giữa đến 1/3 sân đối thủ. Điều này vô tình làm Đức Chinh ít có cơ hội phát huy điểm mạnh bứt tốc quãng ngắn và dứt điểm nhanh.

V.League thiếu gì tiền đạo, tại sao thầy Park phải trông đợi vào cầu thủ Việt kiều? - Ảnh 3.

Nên nhớ khi sử dụng Đức Chinh ở trên tuyển, thầy Park luôn ưu tiên xếp tiền đạo này đá cắm và hoạt động mạnh chỉ ở khoảng 1/3 sân. Tình huống thể hiện rõ nhất điều này chính là bàn thắng vào lưới Thái Lan tại vòng loại U23 Châu Á vừa qua.

Đi sâu hơn vào thống kê của từng đội bóng tại V.League, sự lép vế của tiền đạo nội lại càng được thể hiện rõ hơn.

Ngay như đội đầu bảng Hà Nội, nơi vẫn luôn được biết đến với dàn nội binh chất lượng nhưng khâu ghi bàn vẫn phải phụ thuộc vào ngoại binh và nhập tịch. Đội bóng này đã có được 16 bàn thắng sau 7 vòng đấu, trong đó Samson 6 bàn, Omar 3 bàn, Oseni 3 bàn, chiếm tới 75% pha lập công của toàn đội.

V.League thiếu gì tiền đạo, tại sao thầy Park phải trông đợi vào cầu thủ Việt kiều? - Ảnh 4.

Bộ ba Jermie Lynch (4 bàn), Mpande (3 bàn), Fagan (2 bàn) cũng làm được điều tương tự, khi trực tiếp đóng góp 9/12 bàn thắng của Hải Phòng.

SLNA mùa này mới ghi được 7 bàn và 3 trong số được thuộc về Michael Olaha.

Than Quảng Ninh cũng sở hữu bộ đôi Dyachenko và Kouassi, khi mỗi người có 3 bàn, chiếm hơn 50% sức mạnh hàng công.

Chỉ cần điểm sơ qua các đội bóng thuộc top đầu V.League cũng có thể thấy sự phụ thuộc vào các chân sút ngoại đang ở mức nào.

Việc cho phép sử dụng 3 ngoại binh và 1 nhập tịch ở mùa giải năm nay giúp các đội bóng được tăng cường sức mạnh đáng kể, nhưng lại làm giảm cơ hội của các chân sút người Việt, khi các đội bóng gần như đều dồn suất ngoại binh cho vị trí tiền đạo.

Anh Đức hiện bỏ ngỏ khả năng quay trở lại đội tuyển, trong khi Tiến Linh hay Đức Chinh vẫn còn quá non nớt và chưa bao giờ thực sự đáp ứng được mong đợi. Bởi vậy, chẳng mấy ngạc nhiên khi cái tên Alexander Dang bỗng dưng xuất hiện và ngay lập tức nhận được sự chú ý.

Ở tuổi 29, bản năng sát thủ của mẫu tiền đạo cắm như Alexander Dang đang là điều ĐT Việt Nam rất cần. Dẫu cho khả năng hòa nhập của chân sút Việt kiều này vẫn còn là dấu hỏi.

Nhưng liệu có phải chỉ Việt Nam mới rơi vào tình trạng khan hiếm tiến đạo cắm?

Trên thực tế, không riêng Việt Nam, khan hiếm tiền đạo cắm đang là vấn đề của rất nhiều nền bóng đá. Chẳng phải nhìn đâu xa, chính Thái Lan cũng đang "đau đầu" trong việc tìm người thay thế cho Teerasil Dangda.

Trong vòng 10 năm qua, Thai League đã có những sự phát triển vượt bậc và được nâng tầm trở thành giải vô địch quốc gia hàng đầu Đông Nam Á. Thái Lan đón thêm nhiều ngoại binh chất lượng tới thi đấu, chất lượng CLB nhanh chóng cải thiện, hình ảnh Thai League được nâng lên rõ rệt. Chỉ có điều cũng trong 10 năm qua, bóng đá Thái Lan không tìm được tiền đạo nội nào có thể vượt qua được Teerasil Dangda.

Adisak Kraisorn nhận được nhiều kì vọng nhưng chưa bao giờ cho thấy mình đủ tầm để làm thỏa mãn những chờ đợi của người hâm mộ. Supachai Jaided chắc suất lên tuyển từ khi chưa bước sang tuổi 20, nhưng vẫn còn quá non kinh nghiệm.

Tiêu biểu nhất cho nhận định này chính là tình huống đánh nguội ở trận gặp U23 Việt Nam vừa qua. Chiếc thẻ đỏ Supachai phải nhận không chỉ khiến anh vắng mặt trong hai trận đầu tiên của vòng chung kết U23 Châu Á 2020, mà nó còn phơi bầy sự thật cay đắng về việc bóng đá Thái Lan vẫn chưa có ai đủ tầm để nối bước Dangda lĩnh xướng hàng công của ĐTQG.

V.League thiếu gì tiền đạo, tại sao thầy Park phải trông đợi vào cầu thủ Việt kiều? - Ảnh 5.

Ở cấp độ cao hơn, thất bại cay đắng của ĐT Hàn Quốc tại Asian Cup 2019 cũng được là minh chứng cho thấy nền bóng đá quốc gia này đang gặp khó về nhân lực trên hàng công. K-League luôn ưu tiên lối chơi phát huy sức mạnh về thể hình thể lực, chuộng những tiền đạo châu Âu với lối đá mỏ neo trong vòng cấm địa.

Chẳng cần phải ví dụ đâu xa, nhìn các chân sút Hàn Quốc liên tục phung phí cơ hội ở Asian Cup vừa qua mới thấy vì sao cổ động viên của họ lại ngán ngẩm đến vậy. Khởi đầu vòng bảng, trước khung thành Philippines và Kyzgystan bị bỏ trống, tiền đạo Hàn Quốc vẫn không thể ghi được bàn và cuối cùng phải vất vả lắm mới có được thắng lợi 1-0.

V.League thiếu gì tiền đạo, tại sao thầy Park phải trông đợi vào cầu thủ Việt kiều? - Ảnh 6.

Đến khi Son Heung-min góp mặt, chân sút của Tottenham trở thành điểm đến của mọi đường tấn công. Chỉ có điều khi các hậu vệ đối phương tập trung phong tỏa chặt chẽ sức mạnh của Son, Hàn Quốc chẳng có nổi phương án nào khác đủ hiệu quả và rồi đành muối mặt bị loại từ tứ kết.

Nhìn nhận vậy để thấy, bóng đá hiện đại đang thực sự khan hiếm những mẫu tiền đạo cắm sắc bén. Ngay những nền bóng đá hàng đầu thế giới như Pháp, Brazil, Argentina… cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, huống hồ Hàn Quốc, Thái Lan hay Việt Nam.

Bởi vậy, việc VFF và HLV Park Hang-seo bắt đầu triển khai kế hoạch tận dụng nguồn lực cầu thủ Việt kiều là bước đi hoàn toàn hợp lý và đáng được ủng hộ vào thời điểm hiện tại. Còn tất nhiên, việc họ có hòa nhập được hay không lại là vấn đề của sau này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại