VKS nói bà Sáu Phấn có thái độ trốn tránh, luật sư yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại

Bảo Minh |

Các luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn cho rằng HĐXX vi phạm tố tụng, vụ án có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, yêu cầu tòa trả hồ sơ để điều tra lại vụ án.

Ngày 23/5, TAND TP HCM tiếp tục xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm liên quan tới đại án xảy ra tại ngân hàng Đại Tín - TrustBank. Phiên tòa kết thúc phần xét hỏi, chính thức chuyển qua phần tranh luận.

Sau khi đại diện VKS phát biểu quan điểm luận tội, nhóm luật sư bảo vệ cho bà Hứa Thị Phấn đưa ra nhiều chứng cứ phản bác lại, cho rằng nên hoãn phiên toà, trả hồ sơ điều tra lại.

Luật sư cho rằng tòa vi phạm tố tụng

Mở đầu phần tranh luận, Luật sư Trương Vĩnh Thủy (bào chữa cho bị cáo Phấn) cho rằng bị cáo Hứa Thị Phấn không phạm tội. Theo luật sư này, bà Phấn (71 tuổi) có sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh và hạn chế trong nghiệp vụ quản lý ngân hàng nên đã mời những người có kiến thức về ngành ngân hàng tham gia quản lý, điều hành TrustBank.

Với quan điểm VKS trình bày, bà Phấn viện lý do chỉ còn 7% sức khỏe để không dự các phiên xét xử. Đại diện VKS viện dẫn kết luận điều tra cho thấy khi tiếp xúc với cơ quan điều tra, bà Phấn luôn trong trạng thái khó tiếp xúc, hỏi không trả lời. 

Tuy nhiên, bà này vẫn ký đơn kháng cáo trong vụ án OceanBank và có nhiều đơn tố cáo, kiến nghị khác. Từ đó, VKS đánh giá bị cáo Phấn khai báo không thành khẩn và có thái độ trốn tránh.

VKS nói bà Sáu Phấn có thái độ trốn tránh, luật sư yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại - Ảnh 1.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn tin tưởng thân chủ mình vô tội.

Không đồng tình, luật sư Thủy cho rằng trước khi bị khởi tố, ngày 6/3/2017, bà Phấn đã phải nhập viện điều trị cho đến hôm nay. Trong suốt quá trình điều trị, sức khỏe của bà ngày càng xấu đi. Khi xét xử, HĐXX không áp giải bà Phấn đến tòa mà xét xử vắng mặt bị cáo này. Luật sư cho rằng cáo trạng xác định Hứa Thị Phấn không hợp tác với cơ quan điều tra là không đúng.

Ngoài ra, luật sư Thủy cũng cho rằng HĐXX quyết định xét xử vắng mặt bị cáo Hứa Thị Phấn là đã vi phạm điều 290 (BLHS 2015). Đồng thời vi phạm thủ tục tố tụng hình sự vì đã tước đi quyền lợi của bị cáo theo điều 61 (BLHS 2015).

Bên cạnh đó, luật sư cho rằng HĐXX xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm vào tháng 9/2016 đã ra quyết định khởi tố vụ án, xác định hành vi của một số bị cáo được đưa ra xét xử tại phiên tòa này lại tham gia HĐXX phiên tòa này là không vô tư, khách quan.

Đề nghị điều tra lại vụ án

Về hành vi nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch như cáo trạng truy tố, luật sư Thủy cho rằng thời điểm tháng 2/2012, TrustBank trích dự phòng rủi ro bổ sung, xuất toán lãi 5.978 tỉ đồng.

Như vậy tại thời điểm mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, vốn chủ sở hữu chưa âm mà còn 3.132 tỉ đồng nên chưa đủ căn cứ để cho rằng số tiền mua nhà được lấy từ nguồn tiền gửi của khách hàng như cáo trạng quy kết. 

Đồng thời, từ thời điểm này cho đến khi xảy ra vụ án tại ngân hàng Xây Dựng (VNCB) thì chưa có khách hàng nào gửi tiền tại TrustBank liên hệ rút tiền mà ngân hàng này không có tiền để thanh toán.

Liên quan đến khoản vay của nhóm Phương Trang, Luật sư Thuỷ cho biết mối quan hệ giữa bà Phấn và nhóm Phương Trang chỉ có họ mới biết rõ nhất. Việc HĐXX cho phép người đại diện tham dự thay thế lãnh đạo Công ty Phương Trang đến tòa sẽ không đạt kết quả, ảnh hưởng quyền lợi nhiều người liên quan.

Về hồ sơ 82 khoản vay về mặt chứng cứ, giải ngân, đại diện Ngân hàng CB cũng đã xác nhận khoản gốc lãi của các khoản vay. Theo luật sư Thủy, việc phía Công ty Phương Trang cho rằng bà Phấn biết họ có nhiều bất động sản mà cần vay vốn nên bắt ký hồ sơ trước khi giải ngân là không có căn cứ. 

Bởi Phương Trang có nhiều tài sản thì tại sao không đến các ngân hàng khác vay. Cùng với đó nhiều khoản vay của Phương Trang cũng không có tài sản thế chấp mà phải mượn tài sản của bà Phấn và nhóm Phú Mỹ. Từ đó ông đặt nghi vấn, đề nghị HĐXX làm rõ.

VKS nói bà Sáu Phấn có thái độ trốn tránh, luật sư yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại - Ảnh 3.

Các luật sư bào chữa cho bà Sáu Phấn yêu cầu trả hồ sơ để điều tra lại vụ án.

Mặt khác, luật sư Thủy đặt vấn đề tại sao Công ty Phương Trang lại né tránh khi thanh tra NHNN làm việc về vấn đề tranh chấp nợ giữa Phương Trang và TrustBank.

Đồng thời, nhờ vào đối chiếu sổ quỹ tại TrustBank, luật sư Thủy cho biết thực tế nhóm Phương Trang đã vay số tiền lớn hơn con số 3.937 tỷ đồng. Luật sư cho biết bên Phương Trang có theo dõi đầy đủ các khoản nợ vay, thể hiện qua sổ nhật ký quỹ, đảo nợ, nhưng lại cố tình không biết không nhận nợ mà đẩy trách nhiệm cho bà Phấn.

Theo kết luận điều tra và bản cáo trạng công ty Phương Trang thừa nhận số tiền là 3.937 tỷ đồng nhưng trên sổ nhật ký quỹ lại ghi nhận là trên 9.500 tỷ đồng. Theo luật sư Thủy sự chênh lệch trên là quá lớn, cần phải được xem xét và đánh giá lại một cách toàn diện khách quan.

Từ những quan điểm đã nêu trên, luật sư Thủy đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra lại vụ án.

Điều 290 (BLHS 2015): Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa

1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.

Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

2. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:

a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả

b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa

c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận

d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại