Virus, ‘người quen cũ’ hay là phiên bản mới?

Phan Quang Vũ |

Theo nhà dịch tễ học tiến hóa Paul W.Ewald (Đại học Louisville), virus không chỉ tấn công người bệnh, mà còn thách thức đề kháng của toàn bộ xã hội loài người. Ông cũng cho rằng, đáng tiếc là loài người luôn phải “đuổi theo” virus và trong nhiều cuộc rượt đuổi “chúng ta đã bị bỏ lại phía sau”.

Virus, ‘người quen cũ’ hay là phiên bản mới? - Ảnh 1.

Loài dơi được cho là động vật hoang dã mang nhiều virus gây bệnh.

Theo giới vi trùng học hiện đại, nếu như loài người không muốn “mong manh” trước sự tấn công của virus thì cần phải đi trước một bước, cụ thể là điều chế vaccine. Đại dịch Covid-19 vẫn chưa qua khi các biến thể mới của Corona vẫn được phát hiện. Cùng đó, virus đậu mùa khỉ, virus sốt Lassa... lại “tái xuất”.

Vì sao virus xuất hiện ngày một nhiều, có những loại virus tưởng như đã biến mất hàng thế kỷ thì nay lại “đội mồ sống dậy”? Trong nghiên cứu “Đại dịch đang đến”, xuất bản năm 1994 của Laurie Garrett hay Hot Zone và “Điểm nóng”, xuất bản năm 1995 của Richard Preston - các tác giả cho rằng nguyên nhân đến từ con người đã xâm nhập quá sâu vào thiên nhiên, khuấy tung những khu rừng nhiệt đới, đánh thức những chủng virus chết người và mở màn cho những cuộc phản công của tự nhiên.

Sự “ranh mãnh” của virus

Các tác giả đã dẫn lại “nỗi sợ hãi được xác nhận bằng ký ức đau đớn trong lịch sử”, đó là đại dịch “Cái chết đen”, vắt từ năm 1348 cho đến hết năm 1350, do vi khuẩn dịch hạch gây ra. Đại dịch khủng khiếp này không chỉ nhiễm từ chuột và bọ chét mà còn lây lan từ người qua người. Nó tàn phá dọc theo Con đường tơ lụa, đến cả Afghanistan, Ấn Độ, Iran, Constantinople; vượt Địa Trung Hải lan từ Italy đến phần còn lại của châu Âu, giết chết hàng chục triệu người.

“Loài người cũng không thể quên, vào năm 1918, đại dịch kinh hoàng có tên cúm Tây Ban Nha đã cướp đi mạng sống của 40 triệu người” - nhà nghiên cứu virus học người Australia Frank Macfarlane Burnet nhắc nhở và lập luận rằng những căn bệnh mới mẻ luôn luôn là những căn bệnh nguy hiểm. Những virus mới phát hiện sẽ là những tác nhân tiềm ẩn nguy cơ lớn gây ra đại dịch.

Nhưng, ở cách tiếp cận khác, nhà dịch tễ học tiến hóa Paul W.Ewald cho rằng những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất không phải những bệnh mới xuất hiện mà là các bệnh đã thích nghi với con người theo thời gian, như: đậu mùa, sốt rét, bệnh lao, phong, thương hàn, sốt vàng da, bại liệt...

Để thích nghi và tồn tại, một mầm bệnh phải xoay vòng các vật chủ, từ người này qua người khác và các chủng thích nghi tốt nhất sẽ là những chủng lây lan. “Chọn lọc tự nhiên quyết định điều này, thúc đẩy quá trình thích nghi và lây lan hiệu quả hơn của chúng, qua thời gian và sẽ là kẻ thù “truyền kiếp” của loài người. Ở một nấc cao hơn, virus thậm chí tự phát triển các mẹo lây lan có sức tàn phá khủng khiếp” - theo W.Ewald.

Ewald cũng cho rằng những kẻ ranh mãnh nhất vẫn là những "người quen cũ", với những cơ chế lây nhiễm vô cùng hiệu quả, là bệnh đậu mùa (lây lan qua không khí), dịch tả (lây lan qua nguồn nước) và sốt rét (lây lan qua muỗi là chủ yếu).

Gần đây nhất, vào giữa tháng 8/2022, giới chức y tế Nigeria đã chính thức cảnh báo về bệnh dịch sốt Lassa. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù 80% những người bị nhiễm virus Lassa không bị bệnh nặng, nhưng tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân phải nhập viện là 15%.

Với thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, các triệu chứng nghiêm trọng có thể bắt đầu xuất hiện sau một tuần kể từ khi phát bệnh. Tuy nhiên, đến lúc đó có thể là đã quá muộn khi sốt Lassa làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu và giảm khả năng đông máu, gây chảy máu trong.

Kể từ đầu năm 2022, thành phố Owo, cách thủ đô Abuja của Nigeria 300 km, được coi là tâm chấn của đợt bùng phát dịch sốt Lassa với hơn 160 người tử vong. Tới nay, tình hình đã dịu bớt nhưng người dân cho biết họ sợ virus Lassa hơn nhiều so với virus SARS-CoV-2 vì số nạn nhân tử vong nhiều hơn trong tổng số người mắc.

Virus nguy hiểm này bùng phát lần đầu tiên vào năm 1969 tại thị trấn Lassa, miền Bắc Nigeria. Sau đó nó đã trở thành loài đặc hữu ở ít nhất 5 quốc gia Tây Phi. Theo CDC châu Phi, bệnh sốt Lassa có thể gây sảy thai, truyền từ mẹ sang con và tồn tại trong sữa mẹ đến 6 tháng.

Cuối tháng 8/2022, sốt Lassa đã lan tới 21/23 tỉnh thành của Nigeria, kể cả tại thủ đô Abuja. Giám đốc CDC Nigeria cho biết, kể cả nhân viên y tế nước này cũng bị nhiễm virus Lassa. Theo những nghiên cứu của WHO, thì nó đã được phát hiện từ năm 1859, sau đó 1 năm thì biến mất. Sau 110 năm, vào năm 1969 nó quay trở lại. Rồi lại nhanh chóng biến mất. Nhưng tới nay, sự trở lại của nó (bắt đầu từ tháng 3) là thật sự lo ngại, vì chắc chắn nó đã vượt thoát vaccine đặc trị từng có khi tồn tại với cơ chế sinh học mới. Và, virus gây sốt Lassa được xác định là lây từ chuột sang người.

Virus, ‘người quen cũ’ hay là phiên bản mới? - Ảnh 3.

Thành tựu bước đầu trong điều chế vaccine đậu mùa khỉ.

Virus gây đậu mùa và những tồn nghi

Đầu thế kỷ 19, một cơn hoảng loạn y tế đã bao trùm thủ đô London nước Anh. Một loại virus lây nhiễm cho gia súc rồi tấn công sang con người gây bệnh đậu mùa.

Để tự bảo vệ, giới y học đã nghiên cứu ra vaccine đặc hiệu và bắt đầu tiêm chủng trên diện rộng. Người ta cho rằng, vaccine đem đến hiệu quả đáng kinh ngạc khi có thể bảo vệ con người khoảng 95% trước căn bệnh lây nhiễm. Từ đó, người ta hy vọng phương pháp này có thể vĩnh viễn ngăn chặn các bệnh lây nhiễm do virus, nhất là bệnh đậu mùa.

Nhưng, thật bí ẩn khi y văn thế giới không hề ghi nhận loại virus được dùng để điều chế vaccine phòng bệnh đậu mùa đến từ đâu. Ngay cả gần đây nhất, khi dịch đậu mùa khỉ đã được WHO tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, thì bí ẩn đó vẫn chưa được giải mã.

Cũng chính từ sự bí ẩn đó mà việc điều chế vaccine ngăn chặn đậu mùa khỉ thêm khó khăn.

Sau khi được phát hiện ở châu Phi vào 50 năm trước, tới tháng 5/2022, virus đậu mùa khỉ đã bắt đầu tái lây lan trên toàn cầu. Các nhà khoa học đã sử dụng 2 loại vaccine phòng bệnh đậu mùa, ACAM2000 và JYNNEOS, để đối phó với loại virus mới này. Đây là 2 phiên bản duy nhất được cấp phép ở Mỹ để ngăn virus đậu mùa khỉ bùng phát. Cả hai đều an toàn và hiệu quả cao, nhưng nguồn gốc điều chế của chúng vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Hơn một thế kỷ qua, giới khoa học cho rằng vaccine đậu mùa được sản xuất từ virus đậu bò - đây là lời giải thích có thể coi là mặc nhiên thừa nhận, tuy rằng không chắc chắn khi mà những loại vaccine được sử dụng để phòng bệnh đậu mùa - gồm những loại đang được sử dụng để ngăn bệnh đậu mùa khỉ - được bào chế dựa trên một loại virus chưa ai xác định rõ. Nó chỉ được biết đến là “mầm bệnh ma”.

Nói như José Esparza - nhà virus học và là thành viên của Viện Robert Koch (Đức) thì bệnh đậu mùa ở bò là do một loại virus, còn bệnh đậu mùa ở người bởi một loại virus khác không rõ nguồn gốc.

Cho tới năm 2017, một nhóm các nhà khoa học quốc tế do nhà virus học Esparza dẫn đầu đã đào được một bộ dụng cụ tiêm phòng sản xuất tại Philadelphia (Mỹ) vào năm 1902. Qua nghiên cứu, họ không phát hiện ra bằng chứng về bệnh đậu bò trong chủng mà họ thử nghiệm. Nhưng thay vào đó lại nhận thấy chủng này có liên quan chặt chẽ đến một loại virus đậu mùa ngựa được xác định ở Mông Cổ vào năm 1976.

Vậy, virus gây bệnh đậu mùa từ bò hay ngựa? Và loài người đã bị lây từ đó? Tuy nhiên cho tới nay đây vẫn chưa phải đáp án cuối cùng của nghi vấn này.

Trong khi đó, Tiến sĩ Esparza nói: “Những gì chúng ta thấy ngày nay với bệnh đậu mùa ở khỉ là rất đáng lo ngại khi căn bệnh này đã được tuyên bố bị xóa sổ vào năm 1980. Kể từ đó, việc tiêm phòng đậu mùa đã ngừng ở hầu hết các quốc gia và khả năng miễn dịch của người dân chống lại tất cả các virus bệnh đậu mùa đã giảm xuống.

Trong khi những nghiên cứu điều chế vaccine chống lại biến thể mới của virus đậu mùa khỉ lại không có bước tiến mới nào. Nếu không có vaccine đậu mùa, chắc chắn thế giới sẽ là một nơi hoàn toàn khác khi vẫn phải vật lộn với một căn bệnh dịch hạch cổ xưa đã gây biến dạng và giết chết hàng triệu người”.

Virus, ‘người quen cũ’ hay là phiên bản mới? - Ảnh 4.

Bức tranh mô tả cảnh một y tá chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm dịch hạch trong đại dịch “Cái chết đen”, hoành hành khắp châu Á và châu Âu khoảng giữa thế kỷ 14. Ảnh: Arcgis.

Hiểm nguy “thợ săn virus”

Y văn thế giới ghi nhận nhiều cuộc “săn virus” ở động vật hoang dã, như những nỗ lực không mệt mỏi của loài người chống lại những đại dịch lây lan mang đến thảm họa. Một trong những loài hàng đầu được cho là lây virus sang người chính là con dơi.

Cũng không nhiều người biết rằng ngay từ năm 2016, có nghĩa là trước đại dịch Covid-19 gần 4 năm, đã có một cuộc “săn lùng” virus Corona được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu vì phát triển (IRD) Pháp - trong khuôn khổ một dự án của châu Âu. Chuyến khảo sát do nữ Tiến sĩ virus học Martine Peters - Giám đốc Nghiên cứu của IRD dẫn đầu.

“Chúng tôi nhắm đến mục tiêu nghiên cứu 11.000 mẫu vật và trên thực tế đã tìm thấy rất nhiều loại virus ở dơi như các virus bệnh dại, filovirus (gây bệnh Ebola) và ít nhất 200 loại virus corona khác nhau” - bà Peters cho biết.

Innocent Ndong Bass - một “thợ săn virus” trong nhóm nghiên cứu của bà Peters nhớ lại: “Hoàng hôn buông xuống ngôi làng ở thị trấn nhỏ hẻo lánh Bipindi tại miền nam Cameroon. Nhiều tiếng vù vù vang lên từ khu rừng xung quanh. Bầy dơi ăn quả màu nâu mắt lồi (dơi quạ) bay rợp trời. 

Chúng tôi đeo đèn trên trán, mang khẩu trang và găng tay cao su, căng hai tấm lưới lớn giữa hai cây cọ raffia trụi lá. Tấm lưới đầu được giăng dưới lòng sông. Tấm lưới còn lại căng ngang con đường mòn trong rừng cách nhà dân khoảng 500m. Mùa mưa ở đây thật dữ dội nhưng cũng không nản bằng việc bắt dơi vì có thể bị chúng cắn bất cứ lúc nào, và có thể mắc bệnh”.

Còn nhiếp ảnh gia Jean François Lagrot (người Pháp) đi theo đoàn, kể lại: "Một hôm chúng tôi đã bắt được 90 con dơi móng ngựa, khi chúng ăn côn trùng trong các hang động trên một ngọn núi mà người dân ở đây cho biết là rất thiêng. Bà Martine Peters nói với chúng tôi rằng, bắt được càng nhiều dơi càng tốt, vì sẽ tăng cơ hội để xác định cơ chế chúng lây virus sang người. Khi tôi đưa máy ảnh lên, một con dơi trừng mắt nhìn tôi. Thật đáng sợ!”.

Tiến sĩ Peters là người rất mực kiên trì. Nhiều lần, bà cùng nhóm “thợ săn virus” phải bám theo dấu vết lũ dơi suốt hai tuần nhưng cũng chỉ mang về 15 mẫu. Bà thường cùng nhóm “thợ săn virus” ngồi trên xe máy, băng qua rừng, kể cả đi bộ, bò trườn vào những hang đá ẩm ướt nồng nặc mùi phân dơi.

Công việc lặng lẽ của họ rồi cũng mang đến kết quả. Những mẫu vật nhóm khảo sát tìm được đã được các nhân viên phòng thí nghiệm giải mã, từ đó chuyển sang bộ phận điều chế vaccine.

Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ vì nói như Tiến sĩ nhân chủng học Karen Saylors - Giám đốc điều hành Công ty Labyrinth (Mỹ) thì “theo dõi bệnh lây truyền từ động vật có liên quan đến việc tìm hiểu thói quen của cộng đồng có nguy cơ cao. Họ là nạn nhân tiềm năng khi virus nhảy từ động vật sang người. Điều cơ bản là phải cung cấp cho họ công cụ để tự bảo vệ. Những nhóm “thợ săn virus” nếu không được bảo vệ tốt thì chính họ sẽ lại là vật chủ lây bệnh ra cộng đồng".

Còn Tiến sĩ Peters thì nói: "Chúng tôi đối xử với virus không chỉ thận trọng mà với nhiều trân trọng. Vì chính chúng sẽ cho ta chìa khóa giải mã những đợt dịch đầy chết chóc. Nếu như sợ hãi chúng thì mãi mãi chúng sẽ gây họa cho loài người. Đó là lý do mà chúng tôi lặn lội tới tất cả những nơi được cho là động vật hoang dã đang mang nhiều virus”.

Người ta cũng chưa dễ dàng quên câu chuyện của nữ Tiến sĩ Alessandra Nava, “thợ săn virus” thuộc Quỹ Oswaldo Cruz Foundation ở Rio de Janeiro (Brazil). Ngày này sang ngày khác, bà đi khắp nơi lấy mẫu các loài linh trưởng, động vật gặm nhấm và dơi để xây dựng ngân hàng dữ liệu sinh học của quỹ. Nhận diện virus, sau đó giải trình tự gen rồi đối chiếu với dữ liệu trong ngân hàng sinh học, đó là mục đích hướng tới để kịp thời phát hiện virus lạ trước khi chúng bùng phát.

“Trước thế kỷ 20, cứ mỗi 100 năm thế giới mới trải qua một đại dịch. Còn từ đầu thế kỷ 21 đến nay đã có 6 đại dịch rồi” - Tiến sĩ Nava lo lắng nói và cho biết thêm mình cùng các cộng sự sẽ không ngừng lại vì đó chính là “sứ mệnh” mà họ đã nhận lĩnh.

-Bà có lo sợ virus lạ tấn công?

-Không ai không sợ cả. Nhưng ai cũng sợ thì ai làm. Chúng ta phải dấn thân vì khoa học mà cũng vì loài người. Virus ngày nay biến hóa khác thường, vì thế chúng ta phải tập cho mình thói quen không biết sợ - Tiến sĩ Nava nói.

Cuộc săn lùng thủ phạm gây viêm gan bí ẩn

Đã nhiều tháng qua kể từ ca bệnh viêm gan cấp đầu tiên được phát hiện, các chuyên gia y tế trên toàn cầu vẫn chưa thể biết nguyên nhân gây ra căn bệnh bí ẩn này là gì. Họ chỉ có thể bám vào hai giả thuyết.

Cuối tháng 10/2021, tại Bệnh viện Birmingham (Mỹ), một em bé bị nôn nhiều ngày và nhập viện với tình trạng vàng mắt, viêm gan nặng. Bác sĩ Helena Gutierrez thực hiện nhiều xét nghiệm máu và ngay lập tức loại trừ tất cả nguyên nhân phổ biến đã biết gây viêm gan virus.

Chưa đầy một tuần sau, em bé thứ hai xuất hiện với triệu chứng tương tự ở Bệnh viện Nhi Alabama (Mỹ). Rồi nạn nhân thứ 3 được ghi nhận. “Khi đó tôi nghĩ đây có thể là điều gì đó bình thường trong y học và sẽ giải quyết xong sớm” - bác sĩ Helena nói trong cuộc phỏng vấn với The Washington Post.

Tuy nhiên, các ca bệnh liên tiếp xuất hiện, có trường hợp bệnh nhi đã phải ghép gan để sống sót. Từ “đốm lửa nhỏ” ở Alabama, căn bệnh này đã nhanh chóng lan ra hơn 25 quốc gia.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Imperial, bà Elizabeth Whittaker, là người tham gia vào cuộc điều tra bệnh viêm gan bí ẩn cho biết, thông thường nước Anh ghi nhận 8-10 ca ghép gan ở trẻ em một năm. Song, tới tháng 6 năm nay số ca cần ghép tạng đã là 11 bé chỉ trong vòng 3 tháng.

Nói như bà Whittaker thì giới chuyên gia y tế cho rằng việc nghiên cứu bệnh viêm gan cấp tới nay vẫn rơi vào ngõ cụt khi không thể xác định chính xác nguyên nhân. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng, căn bệnh bí ẩn này có thể đến từ sự song hành của cặp virus nCoV và adeno. Virus adeno là họ virus nổi tiếng gây ra các triệu chứng từ cảm lạnh thông thường đến đau mắt đỏ. Trong khi đó, SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 suốt 3 năm qua. 2 virus này có thể đã góp phần gây tình trạng viêm gan do nhiễm trùng cũ hoặc đồng nhiễm, khiến hệ miễn dịch phản ứng quá mức.

Dù vậy, giả thuyết này vẫn còn nhiều lỗ hổng. Các nhà khoa học bối rối khi không tìm thấy adeno hay adeno loại 41 trong các mô gan. Họ đã kỳ vọng nếu có sự xuất hiện của virus ở cơ quan này, mọi bí ẩn sẽ được giải đáp. Nhưng câu trả lời vẫn ở đâu đó phía trước.

Tiến sĩ Umesh Parashar - Giám đốc Trung tâm viêm dạ dày ruột do virus của CDC (Mỹ), thừa nhận: “Chúng tôi không tìm thấy adeno trong gan”.

Trong khi đó, bác sĩ Markus Buchfellner, Đại học Alabama, người tham gia cuộc điều tra các ca bệnh từ tháng 10, bày tỏ: “Chúng tôi rất bối rối”. Còn các bác sĩ ở Israel nêu giả thuyết viêm gan cấp có liên quan đại dịch Covid-19. Tiến sĩ Eyal Shteyer, người đứng đầu Trung tâm gan trẻ em (Trung tâm Y tế Shaare Zedek ở Jerusalem) nói: "Tôi cho rằng virus SARS-CoV-2 đã gây ra một số rối loạn điều hòa miễn dịch và dẫn đến bệnh viêm gan".

Như vậy là virus gây viêm gan cấp tính vẫn được cho là bí ẩn. Trong khi trước đó, vào năm 2020, Giải Nobel Y Sinh đã trao cho 3 nhà khoa học có công tìm ra virus viêm gan C, đó là Harvey Alter, Michael Houghton và Charles Rice, những người làm sáng tỏ nguồn căn bệnh viêm gan do virus, giúp cho khoảng 1 triệu người mỗi năm thoát chết vì viêm gan.

Việc phát hiện virus có ý nghĩa quyết định, hay nói đúng hơn là mang ý nghĩa sống còn để loài người bảo vệ mình trước dịch bệnh. Song một câu hỏi vẫn bỏ ngỏ: Liệu chúng ta có thể đi trước một bước so với những con virus quái ác kia không, bất kể chúng là “người quen cũ” hay là phiên bản mới?

Nhóm các nhà khoa học quốc tế vừa phát hiện một nhóm tế bào miễn dịch mới mà họ tin rằng rất quan trọng trong việc giúp cơ thể chống lại các bệnh viêm nhiễm nặng và ung thư.

Nghiên cứu do nhóm nhà khoa học thuộc Viện Miễn dịch và các bệnh truyền nhiễm Peter Doherty (Australia) phối hợp với một số nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kỹ thuật Munich (TUM, Đức). Giáo sư nghiên cứu miễn dịch học Axel Kallies thuộc Viện Peter Doherty cho biết, những bệnh nguy hiểm như ung thư, hoặc các bệnh lây nhiễm do virus có thể gây ra "sự cạn kiệt miễn dịch" ảnh hưởng đến một loại tế bào miễn dịch được gọi là tế bào T. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 18/8/2022.

Trong các nghiên cứu trước đây, nhóm nghiên cứu của ông Kallies cho thấy, không phải tất cả các tế bào T khi chống lại các bệnh mạn tính đều bị cạn kiệt và mất chức năng. Các tế bào gọi là Tpex có thể duy trì chức năng trong một thời gian dài.

Nghiên cứu mới xác định rõ tập hợp con tế bào Tpex có chức năng giống như tế bào gốc, có vai trò thiết yếu trong việc ngăn chặn sự cạn kiệt tế bào và duy trì các phản ứng lâu dài của tế bào T đối với bệnh nhiễm virus mạn tính. Tiến sĩ Lorenz Kretschmer (thuộc TUM) và là tác giả chính của nghiên cứu nhấn mạnh: "Những tế bào này kéo dài khả năng miễn dịch của tế bào T, cho phép các tế bào T đã cạn kiệt tự tái tạo và duy trì chức năng".

Phát hiện này đã giúp giải thích tại sao liệu pháp miễn dịch không hiệu quả đối với một số bệnh nhân, và có thể dẫn đến sự phát triển các liệu pháp mới hiệu quả hơn để điều trị ung thư và các bệnh nhiễm virus như bệnh viêm gan và HIV.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại