Trong vòng 2 tuần qua, khi dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) bùng phát mạnh, cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành truy quét hàng loạt hộ gia đình, nhà hàng và chợ trời trên toàn quốc và bắt giữ gần 700 người vi phạm lệnh tạm thời cấm săn bắt, buôn bán hoặc ăn thịt động vật hoang dã, theo Reuters.
Cũng trong chiến dịch này, cảnh sát Trung Quốc đã thu giữ gần 40.000 động vật hoang dã, trong đó có sóc, chồn, lợn rừng... Điều này cho thấy thói quen tiêu thụ động vật hoang dã của người Trung Quốc vì mục đích ăn uống hay làm thuốc có vẻ như không hề dễ bỏ, dù động vật hoang dã được cho là có liên quan tới chủng virus COVID-19 đang hoành hành tại nước này.
Một số tiểu thương buôn bán thịt lừa, thịt chó, thịt nai, thịt cá sấu... ở Trung Quốc đã chia sẻ với Reuters về dự định buôn bán các mặt hàng này trở lại, ngay khi hết lệnh cấm, vì "mọi người thích mua động vật hoang dã".
Các nhà khoa học đã nghi ngờ - nhưng chưa chứng minh - rằng virus COVID-19 lây sang người từ dơi và tê tê. Suy đoán này xuất phát từ thực tế rằng một số ca đầu tiên được phát hiện nhiễm loại virus này là những người từng đến chợ hải sản Vũ Hán, nơi bán cả dơi, rắn, cầy hương và một số loài động vật hoang dã khác.
Ảnh minh họa: Reuters
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đã ban bố lệnh cấm tạm thời những khu chợ như vậy kể từ cuối tháng 1, đồng thời cảnh báo người dân rằng việc ăn thịt động vật hoang dã có thể là mối nguy đối với sự an toàn và sức khỏe của cộng đồng.
Tuy nhiên, những lời cảnh báo và lệnh cấm của chính quyền dường như vẫn khó thay đổi thói quen tiêu thụ và quan điểm bắt nguồn từ văn hóa và lịch sử của người Trung Quốc.
"Nhiều người tin rằng động vật sống để phục vụ con người chứ không phải bình đẳng như loài người", ông Wang Song, một nhà nghiên cứu động vật đã nghỉ hưu của Học viện Khoa học Trung Quốc bình luận.
Tranh luận trên mạng
Khi dịch viêm phổi do virus COVID-19 bùng phát khiến hơn 1.700 người tử vong tại Trung Quốc, cuộc tranh luận về việc sử dụng động vật hoang dã làm thuốc và thức ăn lại nổ ra trên các mạng xã hội của nước này.
Trước đó, khi đại dịch SARS hoành hành tại Trung Quốc vào năm 2003, giới chuyên gia và dư luận của nước này cũng từng tranh luận về vấn đề này khi các nhà khoa học nghi ngờ rằng virus SARS lây sang người từ dơi và cầy hương.
Nhiều học giả, các nhà môi trường học và người dân Trung Quốc - đặc biệt là thế hệ trẻ - đã lên tiếng kêu gọi chính phủ ban hành lệnh cấm vĩnh viễn đối với các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, và mạnh tay đóng cửa các khu chợ buôn bán mặt hàng này.
"Chúng ta có một thói quen xấu là dám ăn tất cả mọi thứ", một người bình luận trên Sina. "Chúng ta cần ngừng việc ăn thịt động vật hoang dã, và những kẻ vi phạm nên bị phạt tù".
Mặc dù vậy, một bộ phận nhỏ người Trung Quốc vẫn thích ăn thịt động vật hoang dã vì họ tin rằng chúng tốt cho sức khỏe. Để phục vụ nhu cầu của nhóm người này, những khu chợ như ở Vũ Hán và cả trên mạng đã mọc lên, hầu hết đều là hoạt động buôn bán trái phép.
Sự ủng hộ của chính quyền
Việc gây giống và buôn bán động vật hoang dã tại Trung Quốc được chính quyền ủng hộ, và đây cũng là nguồn thu nhập của rất nhiều người, theo Reuters.
Sau khi đại dịch SARS bùng phát, Cục Quản lý Lâm nghiệp (NFGA) của Trung Quốc đã thắt chặt quản lý đối với hoạt động buôn bán động vật hoang dã, cấp giấy phép buôn bán hợp pháp 54 loài động vật hoang dã bao gồm cầy hương, rùa và cá sấu; ngoài ra việc gây giống vì mục đích bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng như gấu, hổ, tê tê cũng được cho phép.
Các trang trại nuôi và buôn bán động vật hoang dã hợp pháp nói trên thu về 20 tỉ USD doanh thu thường niên, theo một báo cáo của chính phủ Trung Quốc năm 2016.
Hầu hết các hoạt động gây giống, nuôi và buôn bán động vật hoang dã đều tập trung ở vùng nông thôn hoặc các khu vực tương đối nghèo, và chính quyền địa phương có thể coi đó là "cú hích" cho kinh tế địa phương. Nhiều chương trình được phát trên đài trung ương cũng cho thấy hình ảnh người dân địa phương nuôi các loài động vật hoang dã để tự tiêu thụ hoặc bán ra ngoài.
Tuy nhiên, những người ủng hộ lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã cho rằng việc cấp phép cho các cơ sở nói trên chính là "vỏ bọc" cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, theo Reuters.
Ranh giới không rõ ràng
Các sản phẩm từ động vật hoang dã, từ mật gấu tới vảy tê tê, vẫn được sử dụng trong một số bài thuốc cổ truyền của Trung Quốc, theo Reuters.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng muốn phát triển thêm ngành y học cổ truyền trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của họ.
Tuy nhiên, ranh giới giữa hợp pháp và bất hợp pháp lại không rõ ràng. Liên Hợp Quốc ước tính hoạt động buôn bán động vật hoang dã trên toàn cầu vào khoảng 23 tỉ USD/năm. Và Trung Quốc được cho là thị trường lớn nhất của mặt hàng này.
Được biết, các nhà lập pháp Trung Quốc dự định sẽ siết chặt các quy định về động vật hoang dã trong năm nay, báo Tân Hoa Xã đưa tin tuần trước.
Tuy nhiên, một số lái buôn như Xiang Chengchuan vẫn nuôi ý định tiếp tục kinh doanh: "Tôi sẽ buôn bán trở lại ngay khi được phép, nhưng tôi không biết khi nào lệnh cấm [buồn bán động vật hoang dã] mới hết hiệu lực".
>> Việt Nam đang có những hành động quyết liệt nhằm ứng phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra như thế nào? Xem tại đây để hiểu đúng và cập nhật thông tin nhanh nhất.