Đó là vùng Lombardy - ngôi nhà của TP Milan, thủ phủ tài chính nước Ý, và vùng Veneto bao quanh Venice, cả 2 chiếm khoảng 30% sự giàu có của đất nước hình chiếc ủng.
Lãnh đạo của cả 2 khu vực từ lâu đã bức xúc rằng họ phải gánh đỡ cho những khu vực phía Nam nghèo hơn. Hai cuộc trưng cầu ý dân mang tính chất tham khảo này chỉ là sự khởi đầu của một tiến trình có thể đòi quyền tự trị từ chính quyền trung ương Rome. Giới chuyên gia cho rằng chúng có thể gây hiệu ứng domino trong ngắn hạn trong khi chính quyền Liguria và Emilia Romagna cũng đang rậm rịch các động thái tương tự.
Tuy nhiên, chính quyền Rome nói rằng những cuộc trưng cầu này là không cần thiết dù hiến pháp nước này cho phép. Điều này trái ngược với cuộc khủng hoảng tại Tây Ban Nha khi vùng Catalonia giàu có trưng cầu về độc lập hôm 1-10 bất chấp tòa hiến pháp gọi đó là hành động phi pháp. Cuộc khủng hoảng tại xứ sở bò tót đang leo thang tồi tệ sau động thái mới nhất từ chính phủ Tây Ban Nha hôm 21-10, thông báo sẽ cách chức toàn bộ lãnh đạo chính quyền tự trị Catalonia và kêu gọi bầu cử sớm trong vòng 6 tháng tới.
Theo đài ABC, trong số hàng trăm ngàn người biểu tình xuống đường ở Barcelona sau động thái mạnh tay nói trên của Madrid, có không ít người mới chỉ vừa mới chuyển sang ủng hộ tiến trình đòi độc lập của Catalonia.
"Mỗi bước đi của chính phủ Tây Ban Nha đang khiến thêm nhiều người (ở Catalonia) muốn dứt áo khỏi nước này" - cô Elena Jimenez, từ tổ chức Omnium Cultura, một trong những tổ chức ủng hộ độc lập lớn của Catalonia, nói với đài ABC hôm 22-10.
"Đó là lý do tại sao tôi thực sự không hiểu chiến thuật của chính phủ Tây Ban Nha. Có vẻ như họ không hiểu những con người ở đây một chút nào" - nhà hoạt động này nhấn mạnh thêm.
Theo cảnh sát Barcelona, khoảng 450.000 người đã tham gia biểu tình tại thành phố thủ phủ của Catalonia. Đài ABC cho biết trong những hàng người biểu tình dài như vô tận hô vang những khẩu hiệu đòi độc lập và giương cao lá cờ của Catalonia, có thể bắt gặp rất nhiều người nói rằng khoảng vài năm trước, họ chưa bao giờ mơ tới việc xuống đường biểu tình đòi độc lập.
Thậm chí, một số người biểu tình nói rằng quan điểm ban đầu của họ là không muốn độc lập. Họ xuống đường bởi quá bức xúc với kế hoạch của chính phủ Tây Ban Nha đòi sa thải các lãnh đạo của vùng tự trị này và lần đầu tiên tước quyền tự trị khỏi Catalonia. Trong khi đó, lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont lên tiếng cáo buộc đây là hành động tấn công tồi tệ nhất của chính phủ kể từ sau chế độ độc tài Franco.