Vĩnh Phúc: Loạt doanh nghiệp san nền, đổ đất 'bức tử' hồ Đại Lải làm biệt thự

Đình Phong - Lâm Vỹ |

Kết luận kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNN) chỉ rõ, nhiều doanh nghiệp triển khai các dự án khu nhà ở, biệt thự... tại hồ Đại Lải (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã san nền, đổ đất trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước mà không có giấy phép hoạt động, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thủy lợi.

“Bức tử” hồ Đại Lải xây biệt thự, sân golf

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) mới đây đã ban hành kết luận kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải (xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Hồ Đại Lải có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho TP Phúc Yên và 2 xã thuộc huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực hồ Đại Lải, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép nhiều doanh nghiệp khai thác du lịch tại đây với các dịch vụ như khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, sân golf... Việc phát triển du lịch của các doanh nghiệp đã dẫn đến hệ lụy lòng hồ bị thu hẹp và xảy ra tình trạng san lấp, lấn chiếm lòng hồ.

Vĩnh Phúc: Loạt doanh nghiệp san nền, đổ đất bức tử hồ Đại Lải làm biệt thự - Ảnh 1.

Hồ Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc) đang bị nhiều doanh nghiệp đổ đất, san lấp để xây biệt thự, sân golf gây bức xúc dư luận.

Việc lấn chiếm hồ Đại Lải đã được đề cập từ năm 2019. Đến đầu năm 2020, hoạt động lấn chiếm, "bức tử" hồ diễn ra rầm rộ với quy mô lớn, buộc các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNN phải vào cuộc kiểm tra và ban hành kết luận.

Tại kết luận số 253 ngày 20/2/2020 của Tổng cục Thủy lợi chỉ rõ việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình, làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.

Ngoài ra, việc tôn nền đối với phần diện tích cao trình dưới MNDBT (diện tích ngập hoàn toàn theo thiết kế) làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi vi phạm khoản 2 Điều 163 Luật Đất đai và khoản 39 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai.

Theo kết luận 253, có 4 doanh nghiệp trong diện kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi gồm Công ty TNHH Đại Lải (dự án khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải); Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng (dự án khu biệt thự và vu chơi giải trí Đại Lải – Paradise Đại Lải Resort; Công ty TNHH Đạt Tiến (dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc; Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải (dự án khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải Resort).

Kết luận chỉ rõ, trong 4 doanh nghiệp được kiểm tra thì có 3 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Đại Lải, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và Thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đạt Tiến này đã san nền, đổ đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ chứa Đại Lải, thực hiện các hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.

Đáng chú ý, qua kiểm tra hiện trường dự án dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc thì Công ty TNHH Đạt Tiến đã đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất lấn chiếm về phía lòng hồ (nằm ngoài ranh giới đất được giao) từ khoảng cao trình +19,0m đến +21,7m và đã trồng cây cảnh, làm đường bằng bê tông ven hồ (theo Kết luận thanh tra hồi tháng 1/2019 của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc diện tích đất lấn chiếm là gần 15.600m2)....

Từ thực tế trên, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan, địa phương và tổ chức liên quan dừng toàn bộ các hoạt động của các doanh nghiệp thi công đào đất, san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải từ cao trình +23m trở xuống lòng hồ.

Đồng thời, rà soát và có giải pháp xử lý, khắc phục tồn tại về việc san lấp tôn nền lấn chiếm trong phạm vi lòng hồ; Xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về thủy lợi và các quy định pháp luật khác liên quan.

Cấp, điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải theo quy định của pháp luật thủy lợi;…

Chậm công bố kết luận kiểm tra hồ Đại Lải

Được biết, sau khi Tổng cục Thủy lợi có kết luận, ngày 17/4, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì ký đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật với các dự án, công trình trong lĩnh vực du lịch sinh thái, vui chơi, biệt thự tại xã Ngọc Thanh.

Vĩnh Phúc: Loạt doanh nghiệp san nền, đổ đất bức tử hồ Đại Lải làm biệt thự - Ảnh 3.

Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cũng khẳng định diện tích hồ bị lấn chiếm lên tới gần 16.000 m2.

Theo quyết định trên, ông Lưu Văn Dũng, Chánh thanh tra tỉnh được phân công làm trưởng đoàn phối hợp với các sở, ban, ngành để xác minh trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày công bố quyết định.

Mặc dù theo thời hạn kiểm tra nêu trong quyết định đã quá hơn hai tháng nhưng đến nay tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa có kết luận của đoàn công tác.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, thanh tra (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, gần đây UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy lợi có nội dung là chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện kết luận kiểm tra nói trên trước ngày 15/7. Tuy nhiên, theo ông Long, Tổng cục Thủy lợi vẫn chưa nhận được kết quả thực hiện kết luận kiểm tra về những vi phạm tại hồ Đại Lải của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Về việc chậm công bố kết luận kiểm tra hồ Đại Lải, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho biết, hiện nay tỉnh đang cho rà soát lại. Đoàn kiểm tra đã làm được một số nội dung công việc, hiện nay phải kiểm tra thêm về kết luận của Tổng cục Thủy lợi.

"Đây là hoạt động kiểm tra chứ không phải thanh tra nên thời gian công bố có thể kéo dài để đảm bảo các nội dung công việc. UBND tỉnh đồng ý cho đoàn kiểm tra kéo dài thêm thời gian để làm rõ theo kết luận của Tổng cục Thủy lợi", ông Trì cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại