Vĩnh Long chi 200 tỷ lắp 114 camera, có lắp nhà lãnh đạo đâu

Hoài Thanh |

“Không phải hiện nay quyết định chi 199 tỷ liền để gắn camera, không có tiền đâu, dự án này tới năm 2023. Nguồn vốn phải xây dựng bằng ngân sách, chứ xã hội hoá thì làm sao quản lý được an ninh của mình”, ông Ngời nói rõ và cho rằng, đối với xã hội hoá sẽ kêu gọi vào những việc cần thiết và phù hợp.

HĐND tỉnh Vĩnh Long vừa thông qua đầu tư dự án “Cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông đường bộ tỉnh Vĩnh Long”.

Theo đó, Vĩnh Long sẽ trích ngân sách và nguồn vốn hợp pháp khác với tổng số tiền hơn 199,1 tỷ đồng để lắp đặt 114 camera ở 79 vị trí.

Trong đó, 63 vị trí với 67 camera giám sát an ninh trật tự; 16 vị trí với 47 camera xử lý vi phạm giao thông đường bộ và 3 trung tâm quản lý điều hành đặt tại Công an tỉnh, Phòng CSGT và Công an TP Vĩnh Long.

Mức chi cụ thể về xây dựng là hơn 16 tỷ, thiết bị 151 tỷ, số còn lại chi quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và dự phòng.

Vĩnh Long chi 200 tỷ lắp 114 camera, có lắp nhà lãnh đạo đâu - Ảnh 1.

Camera giám sát trên 1 tuyến đường ở Vĩnh Long


Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Theo tờ trình, mục tiêu của dự án là, góp phần nâng cao năng lực kiểm soát tình hình an toàn giao thông, trật tự, nâng cao ý thức người tham gia giao thông; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, tấn công, trấn áp điều tra và xử lý tội phạm; góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, cơ quan, tổ chức…

Không phải lắp camera nhà lãnh đạo

Tuy nhiên, dự án này gặp nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trong đó, có dư luận cho rằng, việc Vĩnh Long lấy ngân sách lắp camera là xa xỉ trong khi có quá nhiều nhu cầu cấp thiết hơn như y tế, giáo dục…

Thậm chí, có thông tin nhẩm tính, nếu chia bình quân thì một camera lên đến 1,7 tỷ đồng.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lữ Quang Ngời, Phó chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, đây không phải là đề án thực thi ngay, mà theo quy định của luật đầu tư công, phải có HĐND phê duyệt.

Ông Ngời giải thích thêm, đề án này được thực hiện trong 5 năm, chứ không phải 1- 2 năm.

“Đề án này UBND tỉnh mong muốn làm theo kiểu thông minh. Đơn cử về an ninh trật tự, các camera sẽ dự báo được tình hình tụ tập, đám đông để báo về hệ thống quản lý. Hay về giao thông, các phương tiện vi phạm sẽ được tích hợp về trung tâm để xử phạt nguội…

Đó là những cái mà đề án này hướng tới. Còn đối với hơn 6.000 camera mà đã xã hội hoá thì chỉ giám sát được những chuyện bình thường của xã hội”, ông Ngời nói.

Vẫn lời ông Phó chủ tịch tỉnh, dự án được chia từng giai đoạn, nên dự báo được khoảng kinh phí cụ thể.

“Không phải hiện nay quyết định chi 199 tỷ liền để gắn camera, không có tiền đâu, dự án này tới năm 2023.

Nguồn vốn phải xây dựng bằng ngân sách, chứ xã hội hoá thì làm sao quản lý được an ninh của mình”, ông Ngời nói rõ và cho rằng, đối với xã hội hoá sẽ kêu gọi vào những việc cần thiết và phù hợp.

Ông Ngời nói thêm: "Ví dụ, nếu trên thị trường bán mỗi cái camera 100 triệu, mà mình mua 1 tỷ/cái là không được. Hay việc gắn camera cho nhà lãnh đạo là không đúng. Đề án này vì cái chung, vì dân, không làm cho cá nhân nào hết”.

Ông Ngời cũng đồng ý việc chi ngân sách giáo dục, y tế là đúng…, song việc gắn camera để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cũng rất cần thiết.

Về thông tin 1,7 tỷ/camera, ông Ngời cũng thẳng thắn phủ nhận.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm cho biết, đây là dự án đúng và rất cần thiết, phải làm, nhưng cần cân nhắc, rà soát kỹ.

Từng bước quản lý xã hội tốt hơn trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh trật tự, đặc biệt quản lý vấn đề tạm trú tạm vắng. Các hạng mục công trình phải làm rõ.

“Những điểm hiện nay dự kiến lắp đặt phải tiếp tục rà soát, xác định địa điểm phức tạp. Chúng ta phải đầu tư công nghệ bảo đảm phục vụ tốt công tác. Quá trình đầu tư phải rà soát thật kỹ.

Trong quá trình triển khai dự án thì công tác lập hồ sơ, thiết bị, kiểm định, đấu thầu phải công khai minh mạch.

Sở KH-ĐT phải cung cấp rõ từng giai đoạn đầu tư, thiết bị, danh mục, đặc biệt là sự cần thiết cho người dân. Mục đích chính của dự án là phục vụ tốt vì cuộc sống của người dân", ông Nghiêm nói.

Đại tá Phan Ngọc Tính, Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng cho biết: “Năm 2011, Bộ Công an đầu tư 11 camera ở các điểm trọng yếu, thu thập hình ảnh phục vụ công tác rất tốt.

Song, qua thời gian, các camera này đã xuống cấp, hư hỏng. Dự án mới này với số vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng mà chia từng giai đoạn, mỗi năm chỉ khoảng 50 tỷ đồng thì số tiền không lớn.

Vì cấu hình, đường truyền, thông số kỹ thuật, máy chủ của dự án này có sự đầu tư rất lớn, thông minh hơn rất nhiều, phục vụ tốt hơn công tác điều tra, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại