Với tôi, đây là một tin như sét đánh, dẫu biết rằng rồi mệnh trời khó cưỡng…
Những người hâm mộ bóng đá Việt Nam hẳn đều chưa quên ông, người đã dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thống nhất giành tấm huy chương quốc tế đầu tiên, tấm HCB tại SEA Games 18 năm 1995.
Năm 1991, bóng đá Việt Nam tái hội nhập tại đấu trường quốc tế, nhưng liên tiếp 2 kỳ SEA Games 16 và 17 (1991 và 1993) đều không thể qua được vòng bảng. Tháng 1/1995, đội tuyển Việt Nam tham dự cúp Độc Lập tại TPHCM lần đầu được dẫn dắt bởi 1 HLV ngoại - ông Tavares (Brazil), nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn ngủi bởi những bất đồng giữa ông với LĐBĐVN khi ấy.
Người được mời thế chỗ Tavares trong "chiến dịch SEA Games 18" là Karl Heinz Weigang (người Đức), một người "mới" mà thật ra là chỗ quen biết cũ của bóng đá Việt Nam.
Trước đó 29 năm, vào năm 1966 - ở tuổi 31, Weigang đã dẫn dắt đội tuyền miền Nam khi ấy gồm hàng loạt danh thủ như Lâm Hồng Châu, Hồ Thanh Chinh, Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Ngọc Thanh, Lại Văn Ngôn, Nguyễn Văn Mộng, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Văn Ngôn… do Phạm Huỳnh Tam Lang làm đội trưởng, thi đấu xuất sắc tại giải bóng đá quốc tế danh giá mang tên Merdeka (Malaysia), vượt qua hàng loạt đội mạnh để giành cúp vô địch.
Đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games 18 gồm rất nhiều danh thủ đang ở độ tuổi "chín" nhất: Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Hữu Thắng, Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Văn Cường… Họ được ví như một "thế hệ vàng", những người sau đó tiếp tục cùng nhau xác lập vị thế mới của BĐVN trên đấu trường khu vực sau những năm đầu bỡ ngỡ…
Dưới sự dẫn dắt của HLV Weigang, các tuyển thủ VN lần đầu tiên được rèn giũa một cách chuyên nghiệp, đặc biệt là tinh thần kỷ luật rất cao. Cái "chất Đức" lan tỏa tới từng người và giúp họ thật sự thay đổi, tự nâng cao trình độ của cá nhân và góp phần tạo nên sự tiến bộ của cả tập thể.
Lần đầu tiên, đội tuyển Việt Nam thi đấu gắn kết, vừa đảm bảo tính kỷ luật chiến thuật, vừa hừng hực ý chí, điều mà sau này họ gọi vui là "tinh thần Đức" đã được thổi bùng và hòa quyện với ý chí của các cầu thủ Việt.
Thế là lần đầu tiên, đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng đấu bảng (xếp thứ nhì sau Thái Lan), rồi lần đầu tiên, ĐTVN vượt qua luôn vòng bán kết. Đấy là một cuộc "khổ chiến" thật sự gian nan với đối thủ được cho là mạnh hơn chúng ta khi ấy - tuyển Myanmar.
HLV Weigang cùng trung phong Trần Minh Chiến.
Bàn thắng vàng của trung phong Trần Minh Chiến đã giúp ĐTVN giành chiến thắng 2-1 để tiến tới trận chung kết (tái ngộ Thái Lan và thua 0-4). Đấy là một kỷ niệm vô cùng ngọt ngào và không thể nào quên với tất cả…
HLV Weigang sau đó tiếp tục dẫn dắt tuyển Việt Nam trong chiến dịch Tiger Cup 1996 (kỳ giải vô địch Đông Nam Á đầu tiên) và giành được HCĐ (thua Thái Lan ở bán kết, sau đó thắng Indonesia 3-2 ở trận tranh hạng 3), rồi chia tay ĐTVN sau 2 năm đầy ắp kỷ niệm vào giữa năm 1997.
Không chỉ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, Weigang còn từng là HLV trưởng của 4 ĐTQG khác gồm Mali (1970-1973), Ghana (1974-1975), Malaysia (1979-1982) và Gabon (1989-1994).
Một điều đáng chú ý là sau khi rời Việt Nam, ông Weigang vẫn tiếp tục gắn bó với bóng đá Đông Nam Á trong vai trò HLV trưởng và giám đốc kỹ thuật của 3 CLB khác nhau ở Malaysia. Vào đầu năm nay, dù đã 82 tuổi, nhưng ông vẫn là HLV trưởng của CLB Perak, nhưng không ký tiếp hợp đồng vì có mâu thuẫn với các lãnh đạo của CLB.
Xin vĩnh biệt ông, một người bạn lớn của bóng đá Việt Nam!