Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc (SCIO) ngày hôm nay (13/7) vừa đăng tải bài phóng sự có tiêu đề "Farewell to poverty in Three Gorges Project regions" (Vĩnh biệt đói nghèo tại những khu vực dự án đập Tam Hiệp), do hãng thông tấn Tân Hoa Xã thực hiện. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý độc giả nội dung lược dịch của bài phóng sự này.
Năm nay, những người dân sinh sống trong khu vực dự án đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới, đã chứng kiến một thành tựu lịch sử về xóa nghèo.
Với diện tích khoảng 10.000 km2, khu vực thuộc dự án đập Tam Hiệp tọa lạc tại vùng thượng lưu sông Dương Tử (sông Trường Giang), con sông dài nhất của Trung Quốc. Với dân số khoảng 30 triệu người, nơi đây đã bị cái đói nghèo "ám ảnh" trong một thời gian rất dài trước khi dự án đập Tam hiệp đi vào hoạt động.
Vào tháng 5 năm nay, toàn bộ 19 quận, huyện trên địa bàn đã hoàn toàn xóa nghèo, nhờ một loạt các chính sách hỗ trợ cùng những nỗ lực của chính quyền địa phương.
Phát triển du lịch
Anh Song Qinggui, 47 tuổi, một người dân làng Qingshi, huyện Wushan ở phía Tây Nam thành phố Trùng Khánh, đang bận rộn vận hành mô hình kinh doanh du lịch sinh thái.
Gia đình Song đã tái định cư tại ngôi làng này vào năm 2002 vì dự án xây dựng đập Tam Hiệp. Trước đó, khi sống bên bờ sông Dương Tử, công việc làm nông chỉ đủ nuôi sống gia đình anh qua ngày.
"Tôi đã rất lo lắng về tương lai khi gia đình phải tái định cư tại một ngôi làng trên núi. Trước đây, khi có mảnh đất màu mỡ, công việc làm nông chỉ giúp gia đình chúng tôi vừa đủ kiếm ăn. Vậy nên chúng tôi đã băn khoăn không biết có thể làm gì ở nơi ở mới vừa khô cằn vừa đầy sỏi đá như vậy", Song nói.
Tuy nhiên, những băn khoăn của Song đã rất nhanh chóng biến mất. Hiện tại, Song có thể kiếm được hơn 200.000 Nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 28.500 USD) nhờ kinh doanh du lịch sinh thái, một tiến bộ rất lớn so với số tiền 30.000 Nhân dân tệ/năm anh từng kiếm được trước đó. Dựa vào những điểm đến du lịch hấp dẫn cùng phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, ngành du lịch đã trở thành một trong những ngành công nghiệp trụ cột tại ngôi làng này.
Song Qinggui chuẩn bị bữa cơm cho khách du lịch tại cơ sở du lịch sinh thái của mình. Ảnh: Tân Hoa Xã
Sau nhiều năm khó khăn, Song đã tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh của mình và trở thành một trong những người thành công nhất làng. Hiện cơ sở du lịch sinh thái của gia đình anh Song rộng đến 1.000 m2.
"Tôi chưa từng nghĩ rằng việc kinh doanh sẽ tốt đẹp đến vậy. Các phòng thường xuyên được đặt kín chỗ, đặc biệt là vào mùa thu và mùa đông, thời điểm cây lá đỏ đẹp nhất trong năm", Song nói.
Năm 2018, huyện Wushan đã đón 16 triệu lượt khác du lịch trong nước và nước ngoài, thu về tổng cộng 6,4 tỉ Nhân dân tệ.
Các chính sách hỗ trợ
Ngoài việc phát triển ngành du lịch, chính quyền địa phương cũng áp dụng một loạt các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển các ngành công nghiệp trụ cột khác, tận dụng những thế mạnh của khu vực này.
Ngôi làng Santuo ở huyện Fengjie, tọa lạc ở phía Tây Nam thành phố Trùng Khánh. Ảnh: Tân Hoa Xã
Với điều kiện đất đai và khí hậu ở địa phương, huyện Fengjie đã phát triển ngành trồng trọt, cụ thể là giống cam vàng Navel. Hơn 7.000 hộ nghèo canh tác trên 23.000 ha đất đã thoát khỏi diện nghèo đói nhờ loại quả này.
"Gia đình tôi sở hữu hơn 200 gốc cam vàng navel, với tổng sản lượng lên đến gần 10 tấn và giúp chúng tôi thu về hơn 40.000 Nhân dân tệ mỗi năm", Li Shengmei, 48 tuổi, một người dân làng Santuo, cho biết.
Một người dân trồng nhãn ở làng Xiazhong, huyện Wanzhou, phía Tây Nam thành phố Trùng Khánh. Ảnh: Tân Hoa Xã
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng áp dụng một số chính sách hỗ trợ khác như giảm chi phí khám chữa bệnh và các chi phí khác đối với các hộ nghèo để giảm gánh nặng về kinh tế trên đôi vai họ.
Khởi điểm cho tương lai tốt đẹp hơn
Những người dân trong vùng đang tràn đây hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn, với thành tựu xóa nghèo là khởi điểm.
Li Shenmei cho biết cô đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng cam vàng. "Tôi đã học được kỹ thuật trồng giống cam đem lại chất lượng và sản lượng cao hơn. Năm tới, tôi sẽ trồng thêm 100 gốc cam để kiếm được nhiều tiền hơn cho gia đình mình", Li nói.
Trong khi đó, Deng Xiuying, một người dân làng Xiazhong, huyện Wanzhou cho biết gia đình bà dự định chuyển về thành phố trong tương lai: "Tôi tin rằng cuộc sống của chúng tôi sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn nữa". Con gái bà Deng đã tìm được một công việc dạy học ở huyện, và gia đình bà cũng đã mua được một ngôi nhà ở đây.
Các vườn nhãn, vườn vải ở làng Xiazhong. Ảnh: Tân Hoa Xã
Một dự án đường sắt cao tốc đang được xây dựng tại khu vực này. Được biết, tuyến đường sắt này sẽ kết nối hầu hết các quận, huyện trên địa bàn và rút ngắn thời gian di chuyển giữa Bắc Kinh và huyện Wushan xuống còn dưới 5 tiếng.
"Sau khi tuyến đường sắt này đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ đón thêm nhiều du khách hơn. Đó sẽ là lúc tôi cần mở rộng quy mô khu du lịch sinh thái của mình", Song Qinggui kết luận.
Phóng sự "vĩnh biệt đói nghèo ở vùng dự án đập Tam Hiệp" do Tân Hoa Xã thực hiện
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: