"Vĩnh biệt Chú Sáu, người thầy của Kinh tế thị trường Việt Nam"

Nguyễn Như Phong - Giám đốc công ty TNHH Courant Vietnam |

"Chú dặn những người bạn tôi làm lãnh đạo ngân hàng, công ty tài chính phải suy nghĩ làm sao cho sinh lời, thận trọng trong đầu tư, giám sát cho chặt chẽ và đặc biệt không được tư lợi", giám đốc Courant Vietnam Nguyễn Như Phong nhớ lại trong thời khắc linh cữu cố Thủ tướng về lại đất mẹ Củ Chi.

Là bạn cùng học với con trai cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong nhiều năm, cũng là người có tình cảm gắn bó với gia đình ông Sáu Khải, Giám đốc Courant Vietnam Nguyễn Như Phong gửi về cho báo Trí thức trẻ những dòng tâm huyết, kể về những kỷ niệm của anh với vị thủ tướng kỹ trị, người "thầy của Kinh tế thị trường Việt Nam" trong bài viết đầy xúc động.

Chúng tôi xin đăng tải đầy đủ bài viết của anh Nguyễn Như Phong tới độc giả:

"Những ngày này, cả nước tiễn đưa người con ưu tú của Miền Nam và Việt nam về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tôi may mắn có nhiều kỷ niệm được gặp Chú. Tôi, một người thuộc thế hệ con cháu, xin viết vài lời vĩnh biệt Chú.

Nói về Chú, tôi không nói về Luật Doanh nghiệp, mang lại dòng máu nóng cho hàng vạn doanh nghiệp Việt nam, tôi không nói đến cầu Mỹ Thuận cho hàng vạn xe cộ qua lại mỗi ngày, tôi muốn kể câu chuyện đời thường của một trong những nhà cách mạng ưu tú nhất.

Tôi học cùng trường Phổ thông Chu Văn An - Hà Nội với con Chú. Chúng tôi cùng là con em miền Nam, là những học sinh miền Nam được cả miền Bắc cưu mang và giáo dục dạy dỗ khi đất nước còn bị chia cắt. Thưở học trò nghịch ngợm, vui đùa, đánh lộn, là học sinh của cô Ngọc (nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP HCM – một người thân trong gia đình Chú Sáu).

Có lần chúng tôi đánh lộn ở cổng trường, máu bắn lên áo trắng học trò, tôi và một người bạn chạy vào nhà Chú ở Thụy Khuê gặp cô Sáu cầu cứu. Cô đưa cho 2 cái áo bay và nói: "Chú mày mua cho thằng Hai từ Liên Xô đấy, ngày mai nhớ giặt sạch và mang trả lại cho Cô nhé".

Hôm sau quay lại gặp Chú Sáu (hồi đó Chú còn làm ở Ủy Ban Thống Nhất), Chú nói: "Cha mẹ các cháu ở chiến trường, nhiệm vụ chính của các cháu là học tập, sẽ có ngày được trở về miền Nam đấy".

Vào năm 1995, khi chú còn là phó Thủ tướng, một dịp, tôi đến nhà và xin Chú tư vấn về việc có nên làm tư nhân hay là tiếp tục khoác áo công chức. Chú khuyên tôi nên mạnh dạn làm tư nhân với lời dặn:

- Hãy làm sản xuất, làm cái gì mà Việt Nam chưa có, và công nghệ đó phải tiên tiến;

- Nếu làm nhà máy nhớ chăm lo đời sống cho công nhân viên;

- Hãy đóng thuế và làm đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước.

Tôi đã mạnh dạn đầu tư một nhà máy sản xuất ống nhựa ruột gà (tên do tôi đặt). Nhưng hồi đó, công ty tư nhân vẫn phải nhập ủy thác qua Machinoimport và mất một khoản phí nhập khẩu, phải mang tài sản gia đình ra thế chấp vay ngân hàng.

Tôi phàn nàn với Chú, Chú nói sẽ thay đổi và nhanh chóng chỉ vài tháng sau tất cả các công ty TNHH đã được phép trực tiếp nhập khẩu máy móc từ nước ngoài . Công ty tôi đã nhập các máy từ Cộng hòa Pháp và thế chấp bằng chính những máy này. Hiện nay ống gen cách điện xoắn màu xám và màu cam đã được các nhà sản xuất trong nước sản xuất đại trà dùng cho việc chôn cáp điện ngầm khắp cả nước. Đó có thể được coi là "chất xám" của Chú.

Chú không chỉ tư vấn cho tôi về sản xuất mà còn tư vấn cho tôi nhiều vấn đề cách đối xử với ngân hàng thật khéo léo – dù tôi cũng học về kinh tế. Rất lúng túng khi Ngân hàng đến siết nợ, tôi hỏi, Chú khuyên tôi: "Cháu mời ngân hàng đến nhà máy, cho họ xem máy móc đang sản xuất, cho họ xem sản phẩm , nếu cần cho cả họ xem về sổ sách kế toán và xin họ tư vấn, kéo dài thời gian để giãn nợ, chờ cho khách hàng chấp nhận sản phẩm mới, có lãi và trả nợ ngân hàng".

Sau này khi đã nghỉ hưu, có nhiều người bạn tôi làm lãnh đạo các ngân hàng, công ty tài chính đến nhờ Chú tư vấn các vấn đề, Chú nói :

- Hiện Chú đã nghỉ hưu, là một người bình thường , nên không thể can thiệp vào bất cứ việc gì như kiểu chạy chọt được đâu nhé;

- Trong kinh doanh, mười người nếu có sáu, bảy người yêu mến mình là tốt lắm rồi, số còn lại có thể ghen ghét là tất yếu, cho nên luôn luôn phải giữ cho ngân hàng, công ty mình thật minh bạch, và phải cầm cân nảy mực, nhất là không được để đồng tiền nhảy múa.

- Mình được Nhà nước tin tưởng giao cơm, áo, gạo, tiền từ tiền thuế của dân, nên phải suy nghĩ làm sao cho sinh lời, thận trọng trong đầu tư, giám sát cho chặt chẽ và đặc biệt không được tư lợi.

Những lời dặn dò của Chú mãi mãi là kim chỉ nam, là bài học cho tất cả những người làm kinh tế, dù trong Nhà nước hay kinh tế tư nhân.

Vĩnh biệt Chú, một trong những "hạt giống đỏ" của cách mạng (như lời của nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhân dịp họp Học sinh Miền nam ) được ươm mầm từ Liên Xô, đất nước của Lenin vĩ đại, được gieo cấy, nảy hạt và ra những trái ngọt trên nền tảng Kinh tế Việt Nam. Vĩnh biệt Chú, người thầy của nền Kinh tế thị trường Việt Nam.

Mong hương hồn Chú về với Cô Sáu, về với cõi vĩnh hằng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại