Sáng nay 17-10, TAND TP.HCM tiếp tục đưa vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Công ty Ánh Dương - đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) đối với bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi), ra xét xử.
Sân toà tràn ngập tài xế mang theo băng rôn, khẩu hiệu. Bãi xe không còn chỗ trống. Phiên toà được diện ra tại phòng xử A trụ sở TAND TP.HCM- nơi thường xét xử các đại án hình sự.
Sân toà tràn ngập tài xế
Tại phiên toà sáng nay, GrabTaxi đề nghị hoãn xử vì sự vắng mặt của giám định viên . Tuy nhiên, HĐXX cho rằng căn cứ khoản 2 Điều 257 BLTTDS thì HĐXX có quyền xét xử vắng mặt người giám định.
HĐXX công bố kết quả giám định tại phiên toà. Nếu không đồng ý với kết luận giám định được công bố tại phiên tòa và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại, nếu xét thấy việc này là cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì HĐXX quyết định giám định bổ sung, giám định lại...
Trong quá trình vụ án được đưa ra xét xử, phía Grab có yêu cầu tòa bảo mật danh sách hợp tác xã và hợp đồng hợp tác kinh doanh của tài xế với hợp tác xã.
Vinasun đã khiếu nại và được lãnh đạo TAND TP HCM đồng ý cho Vinasun tiếp cận, sao chụp hồ sơ của Grab. Phía Grab có khiếu nại lên cấp cao hơn nhưng đều bị bác vì việc Vinasun tiếp cận tài liệu là không vi phạm pháp luật.
Tại phiên tòa sáng nay, Grab tiếp tục yêu cầu tòa giữ bí mật kinh doanh vì "hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Grab và đối tác cần được bảo mật vì đó là bí mật kinh doanh, không được cung cấp cho bên thứ ba".
Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận yêu cầu phải giữ bí mật kinh doanh của Grab bởi vì Vinasun khiếu nại và đã được giải quyết, được sao chụp hồ sơ.
Đây là lần thứ tư phiên tòa được mở để giải quyết vụ tranh chấp này. Phiên tòa được mở lần đầu tiên vào tháng 2-2018. Tuy nhiên, sau đó tòa đã có quyết định tạm dừng phiên tòa để các bên thu thập, bổ sung thêm chứng cứ nhằm làm rõ một số nội dung của vụ án.
Ngày 7-3, tòa mở phiên tòa, sau đó quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM và Bộ GTVT cung cấp một số tài liệu liên quan.
Đến ngày 24-9, tòa tiếp tục đưa vụ án ra xét xử rồi lại phải tạm dừng phiên tòa do bị đơn có xin hoãn xử và không có mặt tại tòa.
Đại diện Vinasun tại toà
Đại diện GarbTaxi tại toà
Theo nội dung vụ kiện, Vinasun cho rằng phía GrabTaxi đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng và thiệt hại cho taxi truyền thống như Vinasun do lợi nhuận sụt giảm.
Đại diện Vinasun cho biết, GrabTaxi chỉ có chức năng cung cấp phần mềm kết nối, nhưng trên thực tế là kinh doanh vận tải taxi. GrabTaxi khi thực hiện đề án thí điểm của Bộ GTVT đã vi phạm hàng loạt quy định pháp luật, không tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, khuyến mại tràn lan, phá giá... và là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.
Cụ thể, năm 2015 lợi nhuận sau thuế của Vinasun là gần 320 tỷ đồng, đến năm 2016 còn hơn 295 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý I, quý II năm 2017 của đơn vị chỉ còn 53 tỷ đồng. Đến hết quý II/2017, hơn 8.000 nhân viên của Vinasun nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi…
Vinasun yêu cầu tòa buộc Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên 41 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận bị sụt giảm trong hai năm 2016, 2017.
Trong khi đó, phía GrabTaxi lại cho rằng GrabTaxi chỉ thực hiện theo đề án thí điểm của Bộ GTVT và vi phạm (nếu có) thuộc về thẩm quyền xử lý của cơ quan chức năng, cũng như không phải là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.