Sáng ngày 6/2, phiên tòa sơ thẩm vụ kiện "Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam đã diễn ra tại tòa án TP.HCM.
Theo đại diện của hãng taxi Vinasun, từ khi Grab ra đời đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, phá giá,... khiến hàng loạt hãng taxi truyền thống, trong đó có Vinasun bị thiệt hại nặng nề.
Cụ thể, Grab lợi dụng "Quyết định 24" của Bộ GTVT về việc "thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" để nhiều lần thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Vinasun cũng cung cấp nhiều chứng cứ như văn bản, hình ảnh, video để chứng minh Grab kinh doanh vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Phía Vinasun yêu cầu Grab phải bồi thường 41 tỷ đồng vì những thiệt hại đã gây ra cho hãng.
Phản bác lại đơn kiện của Vinasun, luật sư được ủy quyền của hãng Grab cho rằng yêu cầu này không có cơ sở.
Việc ứng dụng công nghệ của Grab rõ ràng đã tạo được sự cạnh tranh giữa các hãng truyền thống, tạo đà cho sự phát triển của các doanh nghiệp này.
Đồng thời, luật sư của Grab nhấn mạnh Vinasun không đưa ra được chứng cứ chứng minh Grab vi phạm.
Cách tính toán thiệt hại của Vinasun cũng không có cơ sở nên đề nghị tòa đình chỉ giải quyết vụ kiện. Nếu không đình chỉ thì bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Grab khẳng định việc đưa ứng dụng dịch vụ công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho khách đi lại dễ dàng, theo đúng với "Quyết định 24" của Bộ GTVT. Nếu Vinasun cho rằng vi phạm thì cần khiếu nại lên Bộ GTVT.
Trước đó, vào cuối năm 2017, Vinasun tuyên bố tiếp tục thu thập chứng cứ và sẽ theo đuổi vụ kiện Uber, Grab đến cùng. Hãng cho biết có nhiều cơ sở để khởi kiện, trong đó cơ sở chính là dựa trên quy định của pháp luật.