Kết thúc buổi roadshow ngày 21/11 với nội dung giới thiệu cơ hội đầu tư mua cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn, một loạt chuyên gia phân tích tại nhiều công ty chứng khoán đã công bố báo cáo với nhận định khả quan về cổ phiếu này.
Mức định giá được đưa ra bởi một CTCK top 3 là 143.000 đồng.
Cùng với thông tin bên lề về việc giá khởi điểm mà SCIC đưa ra là 145.000 đồng/cp trong khi thị giá đang thấp hơn con số này thì thị trường kỳ vọng VNM sẽ có một giai đoạn khởi sắc sau khi giảm mạnh trước đó.
Tuy nhiên, thực tế lại xảy ra ngược với kỳ vọng.
Động thái lạ của khối ngoại
Nhà đầu tư nội chứng kiến động thái bất ngờ của khối ngoại trong giao dịch tại cổ phiếu VNM từ vài ngày trước roadshow.
Họ bán ròng liên tục với khối lượng lớn, đặc biệt là tại ngày 24 và ngày 25/11. Tính từ ngày 18 – 25/11, khối này đã bán ròng hơn 4,8 triệu VNM tương ứng 663 tỷ đồng. Giá cổ phiếu cũng giảm gần 3%.
Trước đó 3 tháng, VNM đã từng leo lên mức giá 174.000 đồng/cp. Sau ngày chốt quyền nhận cổ tức và thưởng cổ phiếu, giá VNM vẫn tiếp tục tăng mạnh và đạt đỉnh lịch sử (giá sau điều chỉnh) vào ngày 31/08 tại 156.000 đồng.
Từ đó đến ngày 23/09, cổ phiếu đã có một đợt giảm giá mạnh xuống còn 140.000 đồng, tương ứng mức giảm hơn 10% và tích lũy tại vùng giá này trong 2 tháng.
Cổ phiếu VNM đã giảm mạnh từ đỉnh và tích lũy quanh vùng giá 140.000 đồng trong 2 tháng nay.
Chính vì thế, một CTCK lớn nhận định rằng VNM đã tích lũy đủ thời gian cho đà tăng ngắn hạn và xác suất cao là giá cổ phiếu tăng trước khi diễn ra đấu giá, đặc biệt nếu giá khởi điểm cao hơn thị giá hiện tại.
Tuy nhiên, thực tế là VNM đã giảm giá, có thể do áp lực điều chỉnh trước e ngại về khối lượng cổ phiếu rất lớn sắp được SCIC “tung” ra thị trường, nhưng một nguyên nhân khác không thể không kể đến là do động thái bán ròng của khối ngoại như đã nói.
Trở lại với việc VNM giảm mạnh trong tháng 9, cũng có thể thấy ảnh hưởng của việc khối ngoại bán mạnh, mà cụ thể là Dragon Capital khi các quỹ thành viên của quỹ đầu tư lâu năm này liên tục bán ra khối lượng lớn VNM.
Trước động thái lạ này, trên thị trường đã xuất hiện những nghi vấn về việc khối ngoại liệu có đang "đè giá" Vinamilk?
Vinamilk là doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam và cổ phiếu VNM được ví là “hiếm có” trên thị trường này. Đây cũng là cổ phiếu luôn được các quỹ ngoại yêu thích.
Cho nên việc khối này bán mạnh “bò sữa” khi thời điểm SCIC thoái vốn và tạo cơ hội cho họ tăng thêm tỷ lệ sở hữu đang đến gần, khiến cho nhà đầu tư nội rất “nóng ruột”.
Giá cổ phiếu VNM giảm sẽ có lợi cho ai?
Theo thông báo chính thức, SCIC sẽ chào bán cạnh tranh 130,6 triệu cổ phần tương đương 9% vốn điều lệ của Vinamilk vào 14h30 ngày 12/12/2016. Như vậy, giá đóng cửa của VNM tại ngày 9/12/2016 sẽ là giá sàn trong buổi chào bán cạnh tranh.
SCIC cũng đưa ra quy định, giá đặt mua của nhà đầu tư không được thấp hơn giá khởi điểm và mức giá sàn mà SCIC đưa ra tại ngày chào bán. NĐT có thể hủy đăng ký nếu khoảng giá vượt quá khả năng chấp nhận của họ.
Với sức hấp dẫn của VNM, chắc chắn sẽ có nhiều NĐT đăng ký mua cổ phần nhưng nếu thị giá ở mức càng thấp thì càng có nhiều cơ hội để cho người muốn mua mua được giá thấp trong buổi chào bán.
Thứ nhất, thị giá là một căn cứ để NĐT đặt giá mua trong ngày chào bán. Nếu không muốn trở thành cổ đông lớn, có lẽ không mấy đơn vị muốn mua cổ phiếu với giá quá cao so với thị giá hiện tại. Mặt bằng giá chào mua sẽ thấp đi.
Mặt khác, nếu giá cổ phiếu VNM trên thị trường tiếp tục giảm, những nhà đầu tư mua khối lượng ít hoàn toàn có thể mua dần trên sàn mà không cần chờ đến ngày 12/12. Số lượng “đối thủ” sẽ giảm.
Trong một góc nhìn khác, giả sử giá khởi điểm mà SCIC đưa ra là 145.000 đồng/cp và “vô tình”, giá đóng cửa của VNM tại ngày 9/12 là 135.000 đồng thì trong ngày 12/12, NĐT có thể đặt mua cổ phiếu do SCIC chào bán tại chính mức giá khởi điểm 145.000 đồng này thông qua phương thức khớp lệnh/thỏa thuận trên sàn HSX vì giá nằm trong biên độ trên HSX (7%).
Đó cũng là giá trần trên sàn hay nói cách khác, mức giá cao nhất mà NĐT phải mua cũng chỉ là giá khởi điểm mà SCIC đưa ra. Trường hợp giá NĐT đưa ra vượt quá biên độ 7%, giao dịch được thực hiện qua Trung tâm lưu ký.
Như vậy, nếu khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng VNM như những ngày qua, giá cổ phiếu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và cơ hội để cho người muốn mua mua được giá thấp trong buổi chào bán càng lớn.
Về phía người bán, SCIC luôn đảm bảo bán cổ phiếu với giá thấp nhất là giá khởi điểm (nếu giá này cao hơn giá sàn) nhưng cơ hội để bán giá cao hơn lại thấp đi.
Một khi "Vinamilk bị bán đi với giá thấp", thì người chịu thiệt hại chính là ngân sách nhà nước.