Viktor Orban tái đắc cử là mối lo cho Mỹ và Liên minh châu Âu

Anh Tú |

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, ngày 8.4. Đây không phải là tin tức vui vẻ đối với Liên minh châu Âu và Mỹ.

Theo kết quả sơ bộ từ 85% phiếu bầu, Văn phòng Bầu cử Quốc gia Hungary cho biết đảng ​​Fidesz của ông Orban dự kiến giành 133 ghế tương đương 2/3 số ghế trong nghị viện 199 ghế. Đảng theo chủ nghĩa quốc gia Jobbik dự kiến ​​sẽ giành được 26 ghế, trong khi các đảng xã hội dự đoán chiếm khoảng 20 ghế.

Ông Orban là một tín đồ Tin Lành Calvin (cộng đồng chiếm 11% dân số Hungary), trong khi vẫn duy trì quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo của tất cả các nhà thờ lớn ở Hungary. Ông được đánh giá là người rất nhiệt thành trong việc bảo vệ giá trị văn hóa của người Công giáo Hungary và có thành kiến với người nhập cư Hồi giáo. 

Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Orban đã chỉ trích việc EU tiếp nhận dòng người tỵ nạn từ Trung Đông và khẳng định Hungary không mặn mà với việc đón nhận 'gánh nặng' này. Chính sách của Orban được đông đảo cử tri Hungary, đặc biệt ở các khu vực nông thôn đồng tình.

Ngay cả đảng đối lập lớn nhất của Hungary là Jobbik đi theo đường lối thiên hữu cũng chia sẻ quan điểm về chủ nghĩa dân tộc và bài nhập cư của đảng Fidesz. Jobbik chỉ dùng chiêu bài phản đối tình trạng tham nhũng, điều hành thiếu hiệu quả của chính quyền Orban trong thời gian tranh cử mà thôi.

Viktor Orban tái đắc cử là mối lo cho Mỹ và Liên minh châu Âu - Ảnh 1.

Vị trí Hungary tại châu Âu

Trước những chỉ trích nói rằng Orban khiến Hungary ngày càng độc đoán và đẩy mạnh làn sóng bài ngoại, Orban không lùi bước. Sau khi tham gia bỏ phiếu tại Budapest, Orban nói ông sẽ đứng lên vì lợi ích của Hungary và dù khẳng định Budapest không đứng ngoài các tổ chức quốc tế.

"Chúng tôi yêu đất nước của mình và chúng tôi đang chiến đấu cho đất nước của mình", Orban ám chỉ về chính sách bài nhập cư. Khi các nhà báo chất vấn có phải ông chiến đấu chống lại EU không thì Orban nói: "EU không phải là ở Brussels, EU ở Berlin, Budapest, Prague và Bucharest".

Tác động của chiến thắng mạnh mẽ dành cho Orban có thể tạo hiệu ứng domino, thúc đẩy các đảng phái cánh hữu khác ở Trung Âu, Ba Lan và đặc biệt là nước láng giềng Áo. Thậm chí, Reuters nhận định rằng chiến thắng của Orban có thể thúc đẩy khối các nước liên minh Trung Âu chống lại chính sách nhập cư của EU. Sâu xa hơn, chiến thắng của Orban phơi bày các vết nứt của 28 quốc gia trong EU.

Mỹ cũng không thoải mái lắm với việc ông Orban tái đắc cử. Trước thềm bầu cử, CNN có bài viết với tựa: "Hungary bắt đầu hơi giống nước Nga" trong đó đề cập việc ông Orban nắm quyền nhiều hơn 2 nhiệm kỳ và các chính sách thâu tóm giới tài phiệt để áp đảo các đối thủ khác. 

Cũng theo CNN, 2 thập kỷ trước khi làm thủ tướng Hungary từ 1998 đến 2002, Orban là người có chính sách bài Nga khá mạnh mẽ. Nhưng sau khi trở lại ghế thủ tướng vào năm 2010, Orban thay đổi hoàn toàn thái độ và được mô tả có mối liên hệ chặt chẽ với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Do vậy, Orban không phải gương mặt được Phương Tây ưa thích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại