Viettel và cuộc khủng hoảng bản sắc ở V.League

ĐĂNG HUỲNH |

Trận thua bạc nhược 2-5 của Viettel trước Hà Nội ở vòng 23 V.League 2019 đã đẩy thầy trò HLV Hải Biên vào cuộc đua trụ hạng. Sự thất bại của Viettel ở mùa giải này còn nằm ở việc loay hoay định hình bản sắc.

Sau 23 vòng đấu, Viettel mới chỉ có 27 điểm, xếp vị trí thứ 11. Các đội xếp sau lần lượt là HAGL (26 điểm), Thanh Hoá (25 điểm) và đội xếp cuối bảng Khánh Hoà (21 điểm).

V.League 2019 còn 3 vòng đấu nữa sẽ kết thúc, nhìn vào cục diện nhóm cuối bảng xếp hạng, việc cạnh tranh để tránh suất phải đá play-off trở nên quyết liệt.

Với điểm số hiện tại, Viettel đang đứng trước nguy cơ rơi xuống vị trí rớt hạng nếu mất điểm ở vòng đấu tới. Từ chỗ là thế lực nhận được nhiều sự kỳ vọng từ đầu mùa giải, Viettel để lại cả thất vọng.

Ở mùa giải đầu tiên lên chơi ở V.League, Viettel đã thực hiện một cuộc cải tổ mang tính đột phá về lực lượng. Họ bỏ tiền tấn chiêu mộ các tuyển thủ quốc gia đình đám là Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Vũ Minh Tuấn.

Bên cạnh đó là những ngoại binh chất lượng và đặc biệt, Viettel đã đưa về HLV người Hàn Quốc Lee Heung-sil để hướng đến thứ hạng cao ở V.League 2019.

Viettel và cuộc khủng hoảng bản sắc ở V.League - Ảnh 1.

HLV Lee Heung-sil đã sớm chia tay Viettel. Ảnh: Hải Đăng

Sự đầu tư mạnh mẽ về mặt nhân sự cho thấy việc Viettel chuẩn bị cho mùa giải mới một cách nghiêm túc và có tham vọng. Đặc biệt là tân binh này hướng đến thứ bóng đá đẹp mắt, cống hiến như những bậc tiền bối của Thể Công năm xưa đã từng gây dựng thành tượng đài.

Tuy nhiên, chính sự loay hoay trong việc lựa chọn đường đi và bản sắc đã khiến Viettel đi từ thất bại đến gây thất vọng. Họ không có được thành tích như mong muốn, HLV Lee Heung-sil sớm bị thanh lý hợp đồng. Thế nhưng, điều tệ hơn chính là lối chơi của Viettel không định hình được.

Viettel và cuộc khủng hoảng bản sắc ở V.League - Ảnh 2.

Viettel không định hình được bản sắc trong lối chơi. Ảnh: Sơn Tùng

Một số ý kiến chuyên môn đã đưa ra nhận định, Viettel đang không có phương hướng ngay ở việc hoạch định chiến lược khi lên V.League.

Khi mới thăng hạng, giành quyền lên chơi V.League, ban lãnh đạo CLB Viettel cũng đã bày tỏ nguyện vọng xin lại tên Thể Công từ Bộ quốc phòng. Tuy nhiên, đến phút cuối cùng thì cái tên Viettel vẫn được giữ nguyên. Như HLV Hải Biên từng chia sẻ thì Thể Công không chỉ là tên gọi, mà nó còn mang giá trị tinh thần lớn.

Thực tế, khi mùa giải 2019 gần khép lại, có thể lý giải phần nào cái tên Thể Công chưa được trở lại. Những gì mà Viettel có được chỉ là những tiếng hô vang “Thể Công” từ khán đài. Họ thực chất là một bóng của doanh nghiệp như bao câu lạc bộ chuyên nghiệp khác ở V.League.

Viettel và cuộc khủng hoảng bản sắc ở V.League - Ảnh 3.

Bùi Tiến Dũng là là người có thể kết nối giữa các cầu thủ cũ và mới của Viettel. Ảnh: Sơn Tùng

Mùa giải 2019 sẽ khép lại với Viettel bằng cuộc đua trụ hạng. Đó là kết cục không mấy vui vẻ cho những đầu tư và kỳ vọng. Thế nhưng có thể chính thất bại này sẽ giúp Viettel nhìn nhận lại cách đầu tư và làm bóng đá chuyên nghiệp.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại