Viettel Post: "Có lúc, một khách đặt tới 1.600 cuốc xe trên ứng dụng Mygo"

Hoàng Linh |

Sau gần 1 tháng ra mắt, ứng dụng Mygo của Viettel Post đã dần hoàn thiện. Dự án thu hút hơn 100.000 đối tác tài xế, trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 cuốc xe chở khách hoàn thành.

Mygo hoàn thành 7.000 chuyến chở khách mỗi ngày

Ngày 1/7, ứng dụng gọi xe- giao hàng Mygo do Viettel Post phát triển chính thức ra mắt và vận hành. Sau gần 1 tháng hoạt động, hiện Mygo có hơn 100.000 đối tác xe máy (tăng khá nhiều so với đợt thử nghiệm trước đó). Đối tác taxi là 7.258, xe tải là 632 đối tác, chạy trên 63 tỉnh thành.

"Trước thời điểm ra mắt chính thức, có giai đoạn ứng dụng bị đặt xe với rất nhiều chuyến ảo. Thậm chí, sau khi thống kê, trung bình một khách ở cùng một vị trí, đặt tới 1.600 cuốc xe ảo. Các chuyến thì đi rất xa đi từ Hà Nội vào Cà Mau, Hà Nội đến Campuchia.

Rất nhanh chóng chúng tôi đã khắc phục và dần hoàn thiện ứng dụng. Hiện tại, Mygo hoàn thành trung bình khoảng 7.000 cuốc xe chuyên chở khách mỗi ngày. Trong đó, tỉ lệ hủy chuyến ngày một giảm", đại diện Viettel Post chia sẻ.

Viettel Post: Có lúc, một khách đặt tới 1.600 cuốc xe trên ứng dụng Mygo - Ảnh 1.

Mặc dù "sinh sau, đẻ muộn" nhưng Mygo có khá nhiều lợi thế khi tham gia thị trường.

Cũng theo Viettel Post, Mygo đang có lợi thế vô cùng lớn khi tham gia thị trường cung cấp dịch vụ vận chuyển - di chuyển. Chỉ tính riêng đối tác tài xế xe máy, đơn vị này đã có 17.000 bưu tá sẵn có ở các địa phương.

Hiện tại, đơn vị đang tiếp tục hoàn thiện Mygo, để tài xế có thể vừa đi giao hàng, kết hợp đón khách, chở khách trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, ưu điểm của Mygo đang đặt mức chiết khấu "mơ ước" với cánh tài xế, đó là 5%.

"Đây là một mức thu rất thấp so với các hãng xe công nghệ khác. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ chiêu mộ đối tác vào hợp đồng lao động, để có thể thấy chúng tôi có chăm sóc cho họ về thời gian, sức khỏe như thế nào.

Năm nay, Viettel Post sẽ kí 7300 hợp đồng lao động trong đó sẽ không phân biệt đối tác Mygo, không phân biệt nhà cung cấp Vỏ sò hay cộng tác viên của Viettel Post để người lao động được hưởng các chế độ lương, bảo hiểm.", Viettel Post cho hay.

Theo đó, đối tác Mygo phải trung thực, chăm sóc khách hàng tận tình chu đáo, và có chí hướng muốn phát triển, đạt 95% các cuốc hoàn thành, không hủy cuốc, không có bất kì phản ánh nào và được khách hàng đánh giá cao thì sẽ được kí hợp đồng lao động.

Xoay quanh việc triển khai dịch vụ MyGo, đặc biệt là dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô (không phải taxi), ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết, hiện tại, Mygo đã gửi công văn và đề án đến các tỉnh thuộc đề án 24 của Bộ Giao thông vận tải, cho phép thí điểm dịch vụ xe ô tô dưới 9 chỗ, gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.

"Hiện chúng tôi đang chờ các địa phương chấp nhận đề án đã gửi. Tuy nhiên, việc Mygo chỉ được triển khai bike, taxi, xe tải ở các tỉnh, trong khi lực lượng hùng hậu xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ lại chưa được triển khai, sẽ hạn chế đi sự lựa chọn đa dạng và tiện ích cho người dân", ông Trần Trung Hưng cho biết.

Quy định yêu cầu các xe taxi công nghệ như Mygo, Grab phải đeo mào

Dự thảo lần thứ 9 Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, Bộ GTVT đề xuất bắt buộc xe ôtô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử (như Grab, Fastgo) phải có hộp đèn với chữ "xe hợp đồng" gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12x30 cm.

Tuy nhiên, xuất trên vấp phải nhiều ý kiến, đặc biệt là của các hãng xe công nghệ cho rằng đây là quy định không cần thiết.

Chiều 22/7, tại cuộc họp về đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu hủy bỏ đề xuất này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Trung Hưng (TGĐ Viettel Post) cho rằng đề xuất không phù hợp, đồng thời đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe.

Theo vị lãnh đạo Viettel Post, mục tiêu của việc gắn hộp đèn trên nóc xe là nhằm phục vụ việc nhận diện xe khi có nhu cầu đón, vẫy taxi trên đường. Do đó, với những taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng, thì điều này không cần thiết.

"Thông tin về xe, lái xe, số điện thoại lái xe đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng. Các xe này cũng không phục vụ, đón khách vãng lai trên đường như các loại taxi dùng hình thức vẫy. Do đó, nếu áp dụng, quy định này sẽ tăng chi phí kinh doanh cho đơn vị kinh doanh vận tải, lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội.

Còn nếu nhằm mục đích nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng, thì cũng không cần vì tất cả phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu "Xe Taxi" hoặc "Xe hợp đồng" trên kính trước của xe theo quy định pháp luật rồi", ông Hưng phân tích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại