Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP - Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông bất thường năm 2017. Báo cáo này đã viết rõ quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược gian nan của hãng hàng không đang có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược được Vietnam Airlines triển khai từ 30/9/2014 nhưng đến thời điểm công ty chuyển sang công ty cổ phần vào 1/4/2015 mới hoàn thành được một số bước trong quy trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược do tư vấn Morgan Stanley và Citigroup xây dựng.
Vòng thăm dò thị trường: Công ty gửi Bản công bố thông tin ngắn (Teaser) và thỏa thuận bảo mật thông tin tới 19 nhà đầu tư gồm 14 hãng hàng không và 5 tổ chức tài chính. Kết thúc thời gian thăm dò, có 2 hãng hàng không là Japan Airlines (JAL) và ANA Holdings Inc. (ANA) gửi thư thể hiện quan tâm.
Xen giữa quá trình thăm dò của là Japan Airlines (JAL) và ANA Holdings Inc. (ANA) là công cuộc đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Vietnam Airlines tổ chức vào 14/11/2014. 49 triệu cổ phần đem ra đấu giá được các nhà đầu tư mua hết trong đó Vietcombank và Techcombank mua đến 99% cổ phần. Giá đấu thành công là ~22.300 đồng/cp.
Dù cuộc đấu giá cổ phần Vietnam Airlines xôm tụ với 2 tổ chức và 1.578 nhà đầu tư cá nhân nhưng đến tháng 1/2015, JAL đã bày tỏ ý định không tiếp tục quan tâm đến giao dịch của Tổng công ty và chấm dứt khảo sát.
Đến tháng 3/2015, ANA hoàn thành việc khảo sát đánh giá.
Gọn lại quá trình gian nan tìm cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines như sau:
19 bản công bố thông tin gửi đi.
Có đến 17 nhà đầu tư thờ ơ cho vào sọt rác.
Chỉ có 2 nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm
Rồi,1 nhà đầu tư từ chối, ra đi.
Còn lại duy nhất một nhà đầu tư ở lại và theo đuổi gần 2 năm để thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines.
Ngay trong tháng 3 năm 2015, Vietnam Airlines đã tổ chức Đại hội cổ đông lần thứ nhất sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Đại hội này cũng đã thông qua phương án chào bán và phương án sử dụng tiền thu được từ việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Tài liệu của Vietnam Airlines ghi rõ, tiếp thu ý kiến của Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị đã chỉ đạo tổng công ty tiếp tục triển khai phương án tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Nhưng, đến tận đầu tháng 7/2016, Vietnam Airlines mới hoàn thành xong các bước còn lại của quy trình tìm kiếm người đồng hành gồm: Đánh giá bản chào; Đàm phán và ký kết các giao dịch liên quan; Thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký chào bán riêng lẻ theo Luật chứng khoán; Hoàn tất các điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư chiến lược chuyển tiền mua cổ phần.
Như vậy, Vietnam Airlines cuối cùng cũng đã chọn được tập đoàn hàng không Nhật Bản-ANA Holdings Inc. là nhà đầu tư chiến lược sau gần 2 năm mòn mỏi tìm kiếm.
Nhưng, mất nhiều thời gian nhưng công ty cũng chẳng bán được cổ phần với mức giá cao hơn so với hồi IPO.
Hồi IPO tháng 11/2014 công ty bán được 49 triệu cổ phần với giá bình quân 22.300 đồng/cp còn tháng 7/2016 bán được 107,66 triệu cp tương đương 8,77% vốn với mức giá còn thấp hơn giá IPO với 21.000 đồng/cp. Tổng cộng, ANA đã chi hơn 2.261 tỷ đồng đầu tư vào hãng hàng không Sải cánh vươn cao Vietnam Airlines.
Mức giá bán cho ANA, theo Vietnam Airlines, là do 2 bên đàm phán, được quyết định dựa trên các yếu tố:
-Kết quả định giá của ANA nằm trong dải giá theo kết quả định giá của tư vấn MS&CG.
-Thời gian hạn chế chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nói trên là 5 năm.
-Những lợi ích mà ANA mang lại khi trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines (ANA cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho Vietnam Airlines và sử dụng các dịch vụ của Vietnam Airlines tại thị trường Việt Nam).
Có vẻ như quyết định của ANA không tệ. Mua vào giá 21.000 đồng nhưng cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines khi chào sàn chứng khoán Việt đã được thị trường định giá loanh quanh ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy rằng, ANA còn phải chờ gần 5 năm nữa mới được quyền chốt lãi nhưng tạm tính, hãng hàng không Nhật Bản này đã lãi gần một gấp đôi.