Vietjet vừa ký "thỏa thuận quan trọng nhất từ trước đến nay" và nó có thể thay đổi hoàn toàn hãng hàng không này

Vân Đàm |

Vietjet và Japan Airlines sẽ hợp tác cùng nhau trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả việc thúc đẩy khai thác đường bay béo bở giữa Việt Nam – Nhật Bản với hơn 1 triệu lượt khách mỗi năm.

CEO Vietjet Air bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một người khá tỉ mỉ trong cuộc sống cá nhân. Bà không bao giờ để công việc bận rộn ảnh hưởng tới lịch tập yoga hàng ngày cũng như những lịch trình tập luyện khác của mình.

Là người luôn chú ý tới từng chi tiết, thậm chí bà Thảo còn có cả một stylist người Nhật chuyên làm tóc mỗi sáng.

Hiện tại, hãng hàng không của bà Thảo cũng tiến tới hợp tác cùng với đối tác Nhật Bản Japan Airlines (JAL). Bà Thảo hy vọng việc này sẽ giúp Vietjet Air được đào tạo thêm về cách để tâm tới từng chi tiết nhỏ, và từ đó xây dựng niềm tin thương hiệu của khách hàng.

Tháng trước, Vietjet Air đã tổ chức cuộc họp báo tại trụ sở của hãng ở TP Hồ Chí Minh để công bố về thỏa thuận hợp tác này. CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, 47 tuổi xuất hiện cùng chồng mình là ông Nguyễn Thanh Hùng – chủ tịch Sovico Holdings.

Cả hai đã cùng đứng trước ống kính - trước đó chồng bà Thảo rất hiếm khi xuất hiện trước báo giới cho thấy tầm quan trọng của thỏa thuận hợp tác giữa Vietjet và JAL.

Trả lời phóng viên, bà Thảo nói rằng sự hợp tác lần này cực kỳ có ý nghĩa và nó quan trọng hơn bất kỳ thỏa thuận nào khác mà công ty của bà đã ký từ trước tới nay.

Bà nhấn mạnh rằng Vietjet sẽ hợp tác trong nhiều lĩnh vực với JAL bao gồm cả khai tác đường bay, đào tạo nhân viên và cải thiện dịch vụ.

Bà Thảo và ông Hùng sau đó cùng đặt câu hỏi cho Phó chủ tịch Tadashi Fujita của JAL rằng liệu họ có thể mang lại những tiêu chuẩn chất lượng gì của JAL tới cho Vietjet.

Kể từ khi bắt đầu bay vào tháng 12/2011, Vietjet đã sử dụng chiến lược giá rẻ và hình ảnh biểu tượng bikini để thu hút khách hàng và nhờ vậy thị phần của hãng này đang ngày một tăng hơn.

Năm ngoái, họ kiểm soát 41,5% thị trường nội địa, tức là bám sát con số 42,5% của Vietnam Airlines. Năm nay, hãng này kỳ vọng sẽ có thể đánh bại Vietnam Airlines nhờ thỏa thuận hợp tác cùng đối tác Nhật Bản.

Vấn đề lớn nhất với Vietjet lúc này là sự đúng giờ. Tuy nhiên, tỷ lệ hoãn chuyến bay đã được cải thiện từ mức 50% xuống còn 12,3% trong 3 tháng đầu năm. Ngoài ra, họ cũng có thêm nhiều lựa chọn suất ăn cũng những sản phẩm mua trên máy bay hơn so với Vietnam Airlines.

Hiện tại, hãng hàng không giá rẻ này đang dần thoát được hình ảnh “giá thấp, chất lượng thấp” để tiến tới một thử thách mới là củng cố dịch vụ và hành trình bay quốc tế.

Trong năm 1988, khi đang ở Nga và nhận thấy sự thiếu hụt mọi thứ hàng hóa, bà Thảo đã nhập khẩu máy fax, cao su và nhiều thứ khác, nhờ đó kiếm được khối tài sản khổng lồ.

Sau thời gian buôn bán ở nước ngoài, bà chọn quay lại quê hương để phát triển kinh doanh. Được chính phủ cấp phép hoạt động hàng không từ năm 2007 nhưng bà Thảo không làm luôn, mà thay vào đó dành 6 năm học hỏi và tìm hiểu rất nhiều về mô hình kinh doanh hàng không giá rẻ.

Bà Thảo thường nói về sự cần thiết trong việc nâng cao vai trò phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Trên thực tế, bà đã bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo nữ trong công ty và đã tuyển hơn 10 phi công nữ.

Năm ngoái, trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei, bà Thảo cho biết sẽ nâng tỷ lệ doanh thu từ những đường bay quốc tế từ 20% lên 40% trong vòng vài năm.

Vietjet Air hiện đã đặt hàng 120 chiếc máy bay Airbus bao gồm dòng A321 và 100 máy bay Boeing dòng B737. Đội bay hiện tại sẽ được bổ sung thêm khoảng 50 chiếc, và rất nhiều trong số đó chắc chắn sẽ được sử dụng cho đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Có khoảng 740.000 khách Nhật Bản tới Việt Nam vào năm 2016, tăng 10,4% so với năm trước. Trong khi đó, số lượng người từ Việt Nam đi Nhật Bản là vào khoảng 240.000, tăng 27,9% so với cùng kỳ 2015.

Hơn nữa, có 200.000 người Việt Nam đang sống tại Nhật Bản tới cuối năm ngoái, tăng 3,8 lần so với năm 2012. Và trong số những người nước ngoài sống tại Nhật Bản theo dạng “thực tập sinh công nghệ”, người Việt Nam chiếm phần lớn trong số đó với trên 20.000 người.

Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch chấp thuận cho nhiều người Việt hơn sang đây làm việc đề bù đắp cho sự thiếu hụt lao động trong lĩnh vực điều dưỡng.

Trước đó, mối hợp tác giữa Vietnam Airlines và JAL kể từ năm 1994 bất ngờ chấm dứt. Tuy nhiên với bà Thảo, đây lại là cơ hội lớn. Trong khi VNA tiến tới thỏa thuận nhận đầu tư từ ANA Holdings thì JAL lại tìm tới Vietjet Air.

Bên cạnh việc tư vấn, JAL có thể có thể giúp VietJet Air lấp đầy ghế trên các tuyến bay mới giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đến Tokyo và Osaka, thông qua các chuyến bay liên danh (code-share).

Hai hãng hàng không cũng hy vọng thỏa thuận hợp tác lần này sẽ giúp VietJet tiếp cận dễ dàng hơn với các chặng bay nối chuyến tại Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại