Đột phá tư duy kinh doanh – nắm bắt cơ hội từ cách nhìn khác
“Khi chúng tôi nhìn vào cốc nước, chúng tôi không nhìn cốc nước có bao nhiêu nước mà cốc nước đó có thể rót thêm được bao nhiêu nước.”
Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc CTCP Hàng không Vietjet – Vietjet Air (mã VJC) đã ví von như thế khi chia sẻ về cách nhìn nhận thị trường vận chuyển hành khách để tìm ra cơ hội phát triển cho VJC, tại Hội nghị “Đột phá tư duy kinh doanh” do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức.
Bà Bình cho biết, 6 năm qua, kể từ khi gia nhập thị trường, VJC đang thực hiện những giấc mơ của mình. Thị trường không thay đổi, thị trường có khách hàng của mình của nhiều người khác nữa, khác là cách VJC nhìn nhận về thị trường.
“5-10 năm về trước, thị trường coi hàng không là phương tiện không phải ai cũng có thể sử dụng được. Khi chúng tôi vào thị trường chúng tôi nhìn thị trường như nhìn vào cốc nước. Chúng tôi không nhìn vào cốc có bao nhiêu nước mà cốc đó có thể rót thêm được bao nhiêu nước.
Dân số Việt Nam có gần 100 triệu dân, tỷ lệ người dân đi lại bằng máy bay chưa đến 1%, 99% dân số còn lại chúng tôi có cơ hội phục vụ” – bà Nguyễn Thị Thúy Bình chia sẻ.
Từ “hãng hàng không Bikini” đến “Consumer Airlines”
Chúng ta đã nói rất nhiều về công nghệ 4.0, hệ sinh thái Eco System, nói nhiều về xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng. Bà Bình cho rằng, xu hướng đó không phải khách hàng tự có mà chính các doanh nghiệp tự tạo ra.
Là hãng hàng không, VJC đi theo sự dịch chuyển của thị trường. Vietjet Air đang hướng đến hãng hàng không Consumer Airlines. Hiện thị trường hàng không có full service airlines, low cost airlines, trong tương lai sẽ có consumer airlines - cung cấp tất cả dịch vụ có thể theo nhu cầu khách hàng.
Nhu cầu khách hàng không chỉ đơn thuần là bay máy bay, mà còn mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, mua dịch vụ bảo hiểm, mua bikini đi biển…
Chúng ta thường nghĩ, chỉ có mua nhà, mua xe hơi mới trả góp, nhưng sắp tới, khi các hãng hàng không đã cùng tham gia vào hệ sinh thái Eco System với các đối tác trên thị trường, khách hàng có thể trả góp đi máy bay.
Theo bà Bình, MOMO là đối tác nằm trong cùng hệ sinh thái Eco System, Lazada cũng trao đổi với VJC làm thế nào để cung cấp nhiều dịch vụ hơn nữa cho khách hàng, không chỉ dừng lại ở vé máy bay;…
Họ có thể cùng nhau tạo ra hệ sinh thái để khách hàng hưởng lợi nhiều hơn. Vì vậy, VJC tự cho mình mơ ước trở thành Consumer Airlines.
VietJet Air đã chiếm 43% thị phần hàng không nội địa, vượt qua Vietnam Airlines thành công nhờ làm tốt định vị thị trường, đội tàu trẻ, tiếp thị, giá vé thấp.
Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, VJC cũng bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết trong phong cách phục vụ khách hàng, đặc biệt là những lùm xùm liên quan đến ghép chuyến bay và thái độ phục vụ khách. Vì vậy, hãy chờ xem VJC sẽ thực hiện ước mơ trở thành “Consumer Airlines” như thế nào trong thời gian tới.