HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) mới đây đã có Nghị quyết về việc nhận lại toàn bộ số tiền 1.808 tỷ đồng đã đặt cọc cho Công ty TNHH Lương Thạch liên quan đến chuyển nhượng toà nhà Lim II tại số 62A Cách mạng Tháng 8, Quận 3, TP.HCM.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của VietBank đã thông qua việc mua tòa nhà Lim II với giá dự kiến là 1.400 tỷ đồng để làm trụ sở.
Tới ngày 27/12/2019, Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường của VietBank đã thông qua không đầu tư vào toà nhà Lim II, với lý do thủ tục kéo dài, đối tác chưa hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng.
Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên vào cuối tháng 5/2020 của VietBank lại một lần nữa chấp thuận mua một phần toà nhà Lim II. Phạm vi mua lúc này là 3 tầng hầm, tầng trệt đến tầng 11, tổng diện tích 18.713m2. Giá mua tài sản dự kiến là 1.340 tỷ đồng. Phần còn lại của toàn nhà Lim II sẽ được thỏa thuận mua tiếp trong tối đa 3 năm, khi VietBank mở rộng quy mô hoạt động và có có thêm nguồn vốn phù hợp.
Ngày 10/8/2020, VietBank ký hợp đồng đặt cọc với Công ty TNHH Lương Thạch để nhận chuyển nhượng một phần toà Lim II, giá chuyển nhượng là 1.340 tỷ đồng. Sau đó, VietBank đã chuyển số tiền đặt cọc 1.100 tỷ đồng cho Lương Thạch.
Đến ngày 13/5/2021, VietBank và Lương Thạch tiếp tục ký hợp đồng hứa mua, hứa bán phần còn lại của toà Lim II (tầng 12-19), với giá chuyển nhượng 944 tỷ đồng, thời gian ký kết hợp đồng mua bán không quá 25/5/2023. Số tiền đặt cọc cho Lương Thạch cho phần còn lại của toàn nhà là 708 tỷ đồng.
Như vậy, VietBank đã đặt cọc tổng cộng cho Lương Thạch số tiền lên tới 1.808 tỷ đồng để mua toà Lim II; còn tổng giá trị của thương vụ là 2.284 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh của VietBank, lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm 2022 đạt 649 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của Vietbank đạt 111.936 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng gần 26% lên hơn 63.632 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 13,8% so với năm trước, đạt 75.988 tỷ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 26% lên 2.324 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2021 lên 1.814 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu (tỷ lệ nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) giữ nguyên ở mức 3,65%.