Cúp Quốc Gia và câu chuyện tình yêu

Cùng với sự cạnh tranh khốc liệt ở giải VĐQG, Cúp QG đã trở thành cứu cánh với những đội bóng muốn kiếm cho mình một danh hiệu ở sân chơi quốc nội.

Tuy nhiên, những trách nhiệm kèm theo sau khi đoạt Cúp QG mới là vấn đề khiến hầu hết các CLB cảm thấy lo ngại. Đầu tiên là việc nhà vô địch Cúp QG phải tham dự AFC Cup mùa sau, mà lịch sử V-League cho thấy không có đội bóng nào vừa thi đấu ở giải VĐQG và Cúp QG, đồng thời vừa đá Cúp châu lục lại có thành tích tốt ở cả 3 sân chơi vào cuối mùa giải.

Đấy còn chưa kể tới việc Cúp QG dù sao cũng là danh hiệu danh giá thứ nhì ở sân chơi quốc nội, chỉ xếp sau giải VĐQG, nên đội bóng nào đoạt được Cúp QG chắc chắn phải có phần thưởng tương xứng cho cầu thủ của mình, không nhiều thì ít, và nếu xét trong bối cảnh đại đa số các CLB V-League đều đang rơi vào hoàn cảnh phải thắt lưng buộc bụng như hiện nay thì việc phải lo tiền thưởng cho vài chục con người cũng là vấn đề không nhỏ.

Cúp Quốc Gia và câu chuyện tình yêu
Mùa bóng năm nay bầu Trường (trái) đã không còn đứng chức danh nào ở V.NB. Ảnh: VSI

Ngay V.NB, một trong 2 đội bóng tham dự trận CK Cúp QG chiều nay, cũng từng hơn một lần phải đối mặt với nguy cơ giải thể ở mùa bóng vừa qua vì chậm trễ tiền nong, và chẳng ai dám chắc chuyện này liệu có tái diễn trong tương lai gần hay không. Mặc dù Chủ tịch CLB V.NB Phạm Văn Lệ đã khẳng định dù thắng hay thua ở trận CK Cúp QG chiều nay thì V.NB cũng sẽ không giải tán, nhưng ai hiểu chuyện đều biết ông Lệ thực ra cũng chỉ là người làm công ở V.NB như HLV trưởng Nguyễn Văn Sỹ hay các cầu thủ mà thôi, và người có tiếng nói quyết định trong vấn đề này phải là ông bầu Hoàng Mạnh Trường chứ không phải bất cứ ai khác.

Giống như XMXT.SG, đội bóng thuộc quyền sở hữu của gia đình ông bầu gốc Ninh Bình khác là bầu Thụy, sự xuất hiện của V.NB trên bản đồ bóng đá Việt Nam thực chất chỉ xuất phát từ sở thích cá nhân của bầu Trường, và không ai biết một ngày nào đó nếu ông bầu này không còn hứng thú với bóng đá thì số phận của CLB sẽ ra sao.

V-League trước đây và hiện tại đã có quá nhiều đội bóng mà sự ra đời và tồn tại của họ đều phụ thuộc trực tiếp vào vai trò của một ông bầu hay doanh nghiệp, nên chỉ cần “thượng tầng” có dấu hiệu “hắt hơi sổ mũi” là lập tức “hạ tầng” tức khắc sẽ gặp vấn đề.

Kịch bản này chắc chắn sẽ không xảy ra với một CLB được xem là tài sản tinh thần của cả cộng đồng như SLNA, Thanh Hóa hay phần nào là Đà Nẵng, bởi nhà tài trợ hay ông bầu ở các CLB này chỉ đóng vai trò như chất xúc tác nhằm giúp đội bóng có thêm sức mạnh tài chính để tồn tại chứ không phải là nhân tố có tính quyết định tới sự tồn vong của cả một CLB.

Thế nhưng, vấn đề là ở V-League hiện tại, số đội bóng có sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng địa phương như SLNA hay Thanh Hóa, Đà Nẵng là quá ít, còn số CLB ra đời nhờ “tình yêu bóng đá” của các ông bầu lại chiếm số lượng áp đảo, mà tất cả chúng ta đều biết “tình yêu” là khái niệm trừu tượng và mong manh đến cỡ nào.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại