Việt Nam tích cực chuẩn bị mọi mặt cho vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ

Tuệ Minh |

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 6/6, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị mọi mặt và sẵn sàng khi được bầu làm Ủy viên không thường trực của HĐBA Liên hợp quốc.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những ưu tiên của Việt Nam khi được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 cũng như việc Việt Nam chuẩn bị như thế nào để đảm nhiệm vai trò này, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Ngày 07/6/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tiến hành bầu 5 nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó Việt Nam là ứng cử viên duy nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Sau khi có kết quả, lãnh đạo Việt Nam sẽ có thông điệp về các ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021”.

“Để chuẩn bị cho việc tham gia Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, nguồn lực, nhân sự, thông tin tuyên truyền, và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức nghiên cứu quốc tế”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Năm 2007, 30 năm sau khi trở thành thành viên LHQ, Việt Nam chính thức được cơ quan này giao trọng trách là Ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu ủng hộ 183/190.

Thành công của nhiệm kỳ đầu tiên đã để lại uy tín của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đây cũng là kinh nghiệm tốt để Việt Nam chuẩn bị cho những kế hoạch sắp tới khi có thể chính thức đảm nhiệm vị trí quan trọng này lần thứ hai.

Hội đồng Bảo an hiện có 15 nước ủy viên, trong đó 5 nước ủy viên thường trực (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) có quyền phủ quyết và 10 nước ủy viên không thường trực (một nửa trong số này được bầu mới mỗi năm).

Hàng năm, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành bỏ phiếu bầu chọn 5 ủy viên không thường trực. Quốc gia trúng cử phải nhận được ít nhất là 2/3 số phiếu bầu. Trước khi nhận nhiệm vụ, những quốc gia đắc cử sẽ được đào tạo về các nghi thức ngoại giao và quy định của Hội đồng Bảo an. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Đại sứ, trưởng phái đoàn các nước thành viên Hội đồng Bảo an, sẽ luân phiên đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Bảo an trong 1 tháng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại