Phát biểu tại buổi lễ có Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Srilanka và nhiều Đại sứ, Trưởng Phái đoàn, các nước thành viên Liên Hợp Quốc cùng một số tăng ni, phật tử quốc tế.
Tại Lễ kỷ niệm, các phát biểu đều cho rằng lời dạy, triết lý của Đức Phật về yêu thương, hòa hợp, đồng cảm, chia sẻ, dung thứ, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau là điểm tựa và nguốn sức mạnh tinh thần để cộng đồng quốc tế vượt qua những thách thức của hận thù, chiến tranh, xung đột, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Đó cũng là những giá trị bao trùm để các quốc gia cùng tôn vinh, lan tỏa nhằm thúc đẩy các cam kết và nỗ lực thực hiện các mục tiêu, tôn chỉ của Hiến chương Liên Hợp Quốc, hướng tới xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Đặng Hoàng Giang cho rằng Đại lễ Vesak không chỉ là dịp để kỉ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập cõi niết bàn của Đức Phật mà còn là dịp để tất cả cùng suy ngẫm, hồi hướng về tư tưởng và lời dạy của Ngài - những tư tưởng và lời dạy vượt thời gian, tiếp tục sống và lay động khối óc, con tim của người dân trên toàn thế giới. Đại sứ nhấn mạnh trong một thế giới đối mặt với nhiều thách thức và khủng hoảng chưa từng có như hiện nay, triết lý của Đức Phật về hòa bình, từ bi, hòa hợp càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết và đã trở thành “kim chỉ nam” giúp con người chấm dứt khổ đau và đem lại hòa bình cho nhân loại.
Để kiến tạo môi trường thuận lợi cho hòa bình và phát triển, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác, phối hợp chung về chính sách và hành động, thúc đẩy các giá trị về hòa bình, bao trùm và từ bi, hỉ sả, góp phần biến cõi niết bàn thành hiện thực.
Đây là sự kiện thường niên của LHQ kể từ năm 1999 khi Đại Hội đồng LHQ thông qua nghị quyết 54/115 về việc kỷ niệm Ngày Quốc tế VESAK hàng năm nhằm ghi nhận đóng góp của Phật giáo, một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, đối với đời sống tâm linh của con người, cũng như đối với nỗ lực chung của cộng động quốc tế vì hòa bình, hợp tác, hòa hợp và phát triển./.