Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đạt 19,4 nghìn tấn, trị giá 73,18 triệu USD, tăng 7,1% về lượng và tăng 8,4% về trị giá so với tháng 9/2023, tăng 11,6% về lượng và tăng 10,6% về trị giá so với tháng 10/2022.
Tính chung 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đạt xấp xỉ 225,44 nghìn tấn, trị giá 755,63 triệu USD, tăng 17,5% về lượng và giảm 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 10/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.772 USD/tấn, tăng 1,2% so với tháng 9/2023, nhưng giảm 0,8% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.352 USD/tấn, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 10 sang nhiều thị trường tăng từ 2 đến 3 con số so với cùng kỳ năm ngoái như Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Anh. Đáng chú ý, Ấn Độ là thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất so với năm 2022.
Cụ thể, xuất khẩu hạt tiêu sang Ấn Độ tháng 10 đạt 1.300 tấn, trị giá 5,46 triệu USD, tăng mạnh 591,5% về lượng và tăng 588,5% về kim ngạch so với tháng 10/2022. Tính đến hết tháng 10, Ấn Độ chi 38,8 triệu USD nhập khẩu 10.602 tấn hạt tiêu, giảm 7% về lượng và giảm 23,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu trung bình trong 10 tháng đầu năm đạt 3.661 USD/tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Thương mại xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ có sự tăng trưởng tốt, đạt 846,63 triệu USD trong tháng 10, tăng 42,7% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 7,06 tỷ USD, tăng trưởng 5,2%. Điều này cho thấy mối quan hệ xuất khẩu hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Ấn Độ được biết đến là quê hương của hạt tiêu nhưng Việt Nam mới là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới. Hiện nay, Việt Nam có 6 tỉnh trọng điểm sản xuất hạt tiêu gồm Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Gia Lai.
Dự báo, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam thời gian tới sẽ duy trì mức thấp. Nguồn cung nội địa không còn dồi dào, nhu cầu từ các thị trường Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc chưa thực sự khởi sắc. Do tác động của đại dịch, lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng nhiều loại nông lâm thủy sản tại các thị trường như EU, Hoa Kỳ bị sụt giảm.
Tuy nhiên, nhu cầu của các sản phẩm gia vị của Việt Nam nói chung và hạt tiêu nói riêng dù có giảm đôi chút nhưng các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều.
Nguyên nhân do, nhóm ngành hàng của Việt Nam thông thường không chỉ phục vụ cho nhóm các ngành hàng gia vị mà trong đó họ còn sử dụng trong nhiều công dụng khác nhau.
Ví dụ các sản phẩm quế, hồi, tiêu và các loại gừng, nghệ được khách hàng dùng trong các ngành làm thực phẩm, đồ uống như rượu, các loại trà, thảo dược.
Bên cạnh đó, các sản phẩm này còn được bán cho các đơn vị chuyên làm các loại thuốc, thực phẩm chức năng, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho chị em phụ nữ. Đây là 2 nhóm ngành hàng được đánh giá là có xu hướng phát triển mạnh thời gian sau đại dịch Covid-19
Việt Nam có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và đặc biệt gia vị của Việt Nam do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên hương và vị trong hạt tiêu, quế, hoa hồi có những sự khác biệt so với các thị trường khác trên thế giới.