Ảnh minh họa
Nghệ là một loại gia vị quen thuộc của người dân Việt Nam và dễ dàng tìm mua tại các chợ, siêu thị. Là thực vật thân thảo lâu năm, cây nghệ có thể đạt đến chiều cao 1 mét, tạo nhánh cao, có màu vàng cam, hình trụ, và thân rễ có mùi thơm.
Nghệ có nguồn gốc từ Ấn Độ, và dù phổ biến tại Việt Nam là vậy nhưng đây lại là một loại củ gia vị hiếm có khó tìm trên thế giới, chỉ có tại một số quốc gia nhiệt đới như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Nilgeria.
Ở Việt Nam, nghệ cũng là một cây trồng có ở nhiều nơi, từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng núi cao trên 1500 m, thậm chí tại nhiều nơi còn mọc hoang ở các đồng ruộng, nương rẫy.
Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích trồng nghệ lớn nhất thế giới, với hơn 50.000 ha (tính đến năm 2021). Nghệ được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông... Nghệ Việt Nam có chất lượng tốt, hàm lượng curcumin cao, từ 3-5%.
Bên cạnh công dụng làm gia vị, nghệ còn có thể chữa trị rất nhiều triệu chứng như: Diệt khuẩn, phòng ngừa ung thư đại tràng, ung thư gan, điều trị đau dạ dày, đau bụng…
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu nhóm gừng, nghệ và một số gia vị khác tính đến 9 tháng đầu năm đã mang về 40,8 triệu USD với 30.476 tấn, tăng mạnh 294% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường nhập khẩu lớn của nhóm hàng này là Trung Quốc với 9.796 tấn, tăng đến 802% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo là Bangladesh với 5.844 tấn, tăng 100%. Ấn Độ đứng thứ 3 với 3.722 tấn, tăng 48,7% và đáng chú ý, Lào đã nhập khẩu từ nước ta 2.927 tấn gừng, nghệ và gia vị, tăng trưởng đến 11.608% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cả năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng này thu về hơn 23,1 triệu USD.
Nguồn: Số liệu thống kê từ VPA
Tinh bột nghệ là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tinh bột nghệ của Việt Nam đạt 9,8 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước châu Âu.
Theo đánh giá từ các đối tác, tinh bột nghệ của Việt Nam có màu sắc đẹp, mùi thơm dễ chịu, không có vị đắng của nghệ, không chứa tạp chất và hóa chất bảo quản. Giữ nguyên được hàm lượng curcumin trong nghệ, là hoạt chất có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và làm đẹp. Curcumin có khả năng chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư, hỗ trợ tiêu hóa, bảo vệ gan, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện trí nhớ và làm trắng da.
Hiện tại, Việt Nam có 500.000ha các loại cây gia vị, với khoảng 400 doanh nghiệp và hàng trăm nghìn hộ nông dân nhỏ lẻ tham gia vào hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này. Đồng thời Việt Nam cũng là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới. Tuy nhiên, các loại cây gia vị của Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 40-50% tiềm năng, dư địa phát triển ngành gia vị Việt Nam còn rất lớn.
Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gia vị của Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt khoảng 2 tỷ USD, với khối lượng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn.