Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 10 đã thu về hơn 1,28 tỷ USD, tăng mạnh 12,9% so với tháng trước đó. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 10,9 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Về trị trường, Mỹ tiếp tục là quốc gia nhập khẩu lớn nhất. Trong 10 tháng đầu năm, Mỹ chi 5,87 tỷ USD nhập khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam, giảm 21,6% so với cùng kỳ. Mỹ luôn nằm trong nhóm thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói riêng và ngành gỗ nói chung. Năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 8,67 tỷ USD.
Trung Quốc đứng thứ 2 với 1,41 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhật Bản là thị trường lớn thứ 3 của ngành gỗ Việt Nam. Tính đến hết tháng 10, quốc gia này đã chi 1,38 tỷ USD nhập khẩu gỗ từ Việt Nam, giảm 10,3% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong thập niên qua, tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ và lâm sản luôn đạt 2 con số mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 5 trong các ngành hàng xuất khẩu (chỉ sau điện thoại, linh kiện điện tử, thiết bị máy móc, da giày, dệt may); xuất khẩu sang 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, giữ vị trí thứ nhất Đông Nam Á, thứ 2 Châu Á (sau Trung Quốc) và thứ 5 trên thế giới (Trung Quốc, Đức, Ba Lan, Italia). Giá trị xuất siêu trung bình từ 8-10 tỷ USD mỗi năm.
Đối với Mỹ - thị trường chủ lực của ngành gỗ Việt Nam, năm 2023 kinh tế suy thoái, người tiêu dùng Mỹ thắt chặt chi tiêu nên nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ giảm đáng kể. Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ.
Bộ Công thương cho biết, sản phẩm ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ đều là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam xuất sang Mỹ. Tỷ trọng nhập khẩu những mặt hàng này của Mỹ từ Việt Nam chiếm khá lớn, điều này cho thấy các sản phẩm nội thất của Việt Nam đã và đang đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ.
Trong năm 2022, dù gặp khó khăn khi xung đột giữa Nga – Ukraine diễn ra tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đạt 15,67 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2021. Bước sang năm 2023, ngành gỗ Việt bắt đầu gặp khó do lạm phát tăng cao. Đồng thời, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm chế biến từ gỗ.
Năm 2023, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp 5-5,5%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 17,5 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.