Việt Nam sẽ nhận được bao nhiêu từ đợt bơm tiền kỷ lục của IMF?

Minh Đức |

IMF chấp thuận đợt bơm tiền hỗ trợ kinh tế lớn chưa từng có trong lịch sử

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đợt phân bổ này giúp các nước thành viên tăng dự trữ ngoại hối, có thêm nguồn lực tài chính nhanh với lãi suất hợp lý để giải quyết các nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đợt phân bổ này giúp các nước thành viên tăng dự trữ ngoại hối, có thêm nguồn lực tài chính nhanh với lãi suất hợp lý để giải quyết các nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế.

Như BizLIVE thông tin vào đầu tháng 8 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF ) đã thông qua mức phân bổ chung mới dành cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), tương đương 650 tỷ USD.

Đây là mức phân bổ lớn nhất từ trước tới nay của IMF, nhằm nỗ lực thúc đẩy thanh khoản toàn cầu và hỗ trợ các quốc gia chiến đấu với đại dịch COVID-19.

Về sự kiện này, Vụ Hợp tác Quốc tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp thêm thông tin về ý nghĩa và giá trị của SDR, cũng như nguồn dự kiến Việt Nam sẽ nhận được.

Một tài sản dự trữ quốc tế

Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là một tài sản dự trữ quốc tế có lãi suất được IMF tạo ra vào năm 1969 để bổ sung cho các tài sản dự trữ khác (như vàng, ngoại tệ) của các nước thành viên.

Định giá đồng SDR dựa trên một rổ tiền tệ quốc tế bao gồm Đô la Mỹ, Yên Nhật, Euro, Bảng Anh và Nhân dân tệ của Trung Quốc.

SDR có khả năng quy đổi/sử dụng tự do trong các thành viên IMF. Giá trị của SDR được IMF thay đổi hàng ngày, trên cơ sở tỷ lệ cố định của các đơn vị tiền tệ trong giỏ SDR và tỷ giá hối đoái thị trường hàng ngày giữa các đơn vị tiền tệ có trong giỏ SDR, ví dụ ngày 12/8/2020, 1 SDR = 1,418 USD.

SDR chỉ được phân bổ cho các thành viên IMF, được nắm giữ và sử dụng bởi các nước thành viên, IMF và một số tổ chức tài chính, trừ tổ chức tư nhân hoặc cá nhân. SDR cũng đóng vai trò là đơn vị giao dịch trên tài khoản của IMF và một số tổ chức quốc tế khác, kể cả các khoản vay và nghĩa vụ tài chính.

Theo IMF, ngoài các nước thành viên của IMF, hiện tại có 15 tổ chức có thể nắm giữ SDR theo quy định, bao gồm 04 ngân hàng trung ương khu vực, 03 tổ chức tiền tệ liên chính phủ và 08 tổ chức phát triển.

Đặc biệt thích hợp khi có khủng hoảng hệ thống

Theo quy định tại Điều VXIII, Điều lệ IMF, phân bổ SDR (allocation) là một phương thức để tăng dự trữ quốc tế cho các nước hội viên của IMF, được IMF xem xét thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung dự trữ dài hạn trên toàn cầu để đạt được các mục tiêu ổn định hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu, đồng thời tránh gây ra áp lực lạm phát. Nguồn SDR phân bổ không kèm theo điều kiện chính sách, vì thế đặc biệt thích hợp khi có khủng hoảng hệ thống.

Theo quy định tại Điều lệ IMF, IMF có quyền rút lại SDR phân bổ một cách vô điều kiện khi IMF thấy cần thiết, mặc dù vậy từ trước đến nay IMF chưa bao giờ rút lại số SDR phân bổ này. Điều này có nghĩa là lượng SDR phân bổ chỉ có tính tạm thời, không được xác định là vĩnh viễn.

Khoản SDR được phân bổ sẽ được phản ánh trên tài khoản SDR của nước hội viên tại IMF. Nếu sử dụng số SDR phân bổ, quốc gia thành viên sẽ phải trả phí sử dụng SDR tính theo lãi suất SDR thả nổi được công bố hàng tuần trên website IMF (hiện đang ở mức thấp 0,05%/năm, nhưng trong lịch sử, lãi suất SDR đã từng ở mức 3,8%/năm). Khi được phân bổ SDR, nước hội viên không mất thêm chi phí nào và được phép sử dụng SDR vào bất kỳ mục đích nào, trong đó bao gồm cả việc trả nợ vay IMF hay tăng vốn tại IMF.

Vì lý do trên, SDRs có thể coi là một phương tiện để cung cấp hỗ trợ kịp thời cho các quốc gia có nhu cầu cấp thiết. SDR được phân bổ cho các thành viên tương ứng với tỷ lệ phiếu bầu tại IMF. Phân bổ SDR được rà soát định kỳ 5 năm/lần, tuy vậy việc phân bổ SDR chỉ được quyết định theo tình hình cụ thể.

Trước năm 2021, IMF đã tiến hành 3 đợt phân bổ SDR. Đợt 1 từ năm 1970-1972 trị giá 9,3 tỷ SDR. Đợt 2 từ 1979-1981 trị giá 12,1 tỷ SDR. Đợt 3 vào năm 2009 là 161,2 tỷ SDR, là đợt phân bổ lớn nhất.

Tại năm 2009, ngoài phân bổ chung, IMF cũng thực hiện thêm 1 phân bổ đặc biệt một lần trị giá 21,5 tỷ SDR để dành cho các thành viên gia nhập IMF sau năm 1981 chưa bao giờ nhận được phân bổ.

Đối với các nước thành viên IMF, việc nhận phân bổ SDR từ IMF là “miễn phí”. Thông qua sự gia tăng phân bổ SDR của IMF, các nước thành viên IMF sẽ được tăng tương ứng việc nắm giữ SDR. Tuy nhiên, việc sử dụng SDR “không phải là miễn phí”. Các quốc gia sử dụng SDR sẽ phải chịu các khoản phí gọi là phí SDR cùng phí quản lý của IMF. Các thành viên nhận SDR có thể tham gia giao dịch tự nguyện hoặc theo chỉ định, theo đó sẽ trao đổi SDR với tài sản dự trữ khác, là các loại tiền tệ khác trên thị trường.

Việt Nam dự kiến nhận tương đương 1,61 tỷ USD

Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh toàn cầu, trong khuôn khổ Tiến trình tài chính G20 năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cùng với một số Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 kêu gọi IMF thực hiện phân bổ SDR như một cách hỗ trợ các nước vượt qua khủng hoảng như đã thực hiện năm 2009, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Từ tháng 3/2021, Giám đốc điều hành các khu vực bắt đầu tham vấn các nước thành viên. Được sự ủng hộ của các nước thành viên, tại Hội nghị Mùa xuân năm 2021, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC) đã đề xuất IMF.

Theo tính toán của IMF, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu dài hạn trên toàn cầu về tài sản dự trữ bổ sung dự kiến sẽ tăng cao, dao động từ 1,1 đến 1,9 nghìn tỷ USD (khoảng 0,8 đến 1,4 nghìn tỷ SDR) trong 05 năm tới. Với quy mô tương đương 650 tỷ USD (khoảng 456 tỷ SDR), IMF cho rằng lần phân bổ này sẽ có thể đáp ứng nhu cầu dài hạn của các nước về bổ sung dự trữ ngoại hối, huy động tài chính nhằm vượt qua đại dịch trong trường hợp khẩn cấp.

Đây là đợt phân bổ lớn nhất từ trước đến nay của IMF, là một chương trình hỗ trợ chưa từng có, giúp các nước thành viên tăng dự trữ ngoại hối, có thêm nguồn lực tài chính nhanh với lãi suất hợp lý để giải quyết các nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế.

Trong đợt phân bổ SDR lần thứ 11 này, với 0,26% tỷ lệ góp vốn tại IMF, Việt Nam dự kiến sẽ được phân bổ khoảng 1,1 tỷ SDR, tương đương với 1,61 tỷ USD, số lượng cụ thể tùy theo số được phê duyệt bởi các thành viên.

Với số phân bổ lần này, Việt Nam sẽ có khoảng 1.414 tỷ SDR, gấp hơn 4 lần số SDR được phân bổ hiện nay. Đây sẽ là khoản dự trữ ngoại hối rất lớn mà Việt Nam có thể huy động trong điều kiện khẩn cấp.

Theo Vụ Hợp tác Quốc tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch, dự trữ của nhiều quốc gia đang phát triển và mới nổi không đủ để tạo ra bộ đệm tài chính đủ mạnh để đối phó khủng hoảng, việc IMF đề xuất phân bổ SDR là sự hỗ trợ lớn từ IMF cho các nước thành viên, giúp củng cố vị thế đối ngoại của các nước thành viên, xây dựng lòng tin, thúc đẩy khả năng phục hồi và ổn định của nền kinh tế toàn cầu và đóng góp vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại