Việt Nam sẽ mất bao nhiêu lâu nữa để quy mô GDP đạt mục tiêu lọt nhóm 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Hoàng Nguyễn |

Từ một nền kinh tế lạc hậu, hiện Việt Nam đã vươn lên lọt vào 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Vậy khi nào Việt Nam sẽ lọt nhóm 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Theo dữ liệu từ Quỹ tiền tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam đã mất 37 năm để quy mô GDP tăng gấp 10 lần, đạt 400 tỷ USD từ mức khoảng 43 tỷ USD hồi năm 1986.

Cụ thể, quy mô GDP Việt Nam theo giá hiện hành vào năm 1986 ghi nhận ở mức 43 tỷ USD. Đến năm 2008, con số này đã tăng lên mức 125 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với thời điểm 1986. Có thể thấy, Việt Nam phải mất 23 năm để quy mô kinh tế lần đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD.

Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam chỉ mất 15 năm để quy mô kinh tế tăng từ mức 100 tỷ USD lên mức 400 tỷ USD. Cụ thể, quy mô GDP của Việt Nam đã đạt 408 tỷ USD vào năm 2022 và đạt 433,7 tỷ USD vào năm 2023.

Theo dự báo của IMF, Việt Nam sẽ năm trong nhóm 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2024. Cụ thể, quy mô GDP của Việt Nam được IMF dự báo đạt khoảng 465,8 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực, sau các quốc gia như Indonesia (1,47 nghìn tỷ USD), Thái Lan (548,89 tỷ USD), Singapore (525,22 tỷ USD) và Philippines (471,5 tỷ USD).

Đáng chú ý, các chuyên gia IMF dự báo, đến năm 2029, với quy mô GDP dự kiến đạt 684 tỷ USD, Việt Nam sẽ vượt qua Singapore, với quy mô ước đạt 896 tỷ USD, để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, và lớn thứ 31 trên thế giới.

Tại Phiên họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội được tổ chức hồi đầu tháng 9, khi cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026 -2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm từ 30 đến 35 nền kinh tế lớn trên thế giới, nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng chỉ rõ cần đề xuất cơ chế, chính sách huy động được nguồn lực xã hội, nhất là hợp tác công – tư, nguồn lực nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp; tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, làm sâu sắc hơn nội dung về nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các ngành mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, cải cách thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp là trung tâm.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo bổ sung một số nhiệm vụ, đề án, dự án cụ thể quan trọng, trọng điểm, tạo đột phá như: Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; các dự án liên kết vùng, nhất là đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ, các tuyến đường sắt đô thị…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại