Các định hướng phát triển chính của vùng động lực phía Bắc là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng, thu hút đầu tư các ngành công nghiệp.
Vùng động lực phía Bắc sẽ phát triển trung tâm kinh tế biển với các ngành vận tải biển, du lịch biển đảo, kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới, cùng với đó mở rộng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Vùng động lực phía Nam tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số; phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, logistic, kinh doanh bất động sản. TPHCM sẽ được thúc đẩy phát triển trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Vùng động lực này dự kiến thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó là phát triển kinh tế biển như dịch vụ logistics, khai thác chế biến dầu khí, du lịch biển, tập trung phát triển cảng biển container Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Đáng chú ý, dự thảo đề cập việc phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á và nghiên cứu xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành.
Đến năm 2030, cả nước dự kiến có 4 vùng động lực. Vùng động lực phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Vùng động lực phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vùng động lực miền Trung là Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi. Vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long có Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang.
Vùng động lực miền Trung tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế; trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô - phụ trợ ngành cơ khí. Cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cũng được đầu tư phát triển.
Vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long được định hướng thành trung tâm công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm quốc gia, công nghiệp phục vụ nông nghiệp...
Với kinh tế biển thì tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, vùng sẽ hình thành trung tâm khoa học công nghệ về nông nghiệp quốc gia và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp.
Ưu tiên chọn lựa nguồn lực đầu tư
Hôm nay (16/8), Bộ KH&ĐT tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đối với báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo các chuyên gia World Bank, trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các địa phương phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các địa phương khác cùng phát triển; cụ thể là tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.