Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay cả nước đang áp dụng các mô hình khu, như: Khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; khu kinh tế; khu công nghệ thông tin tập trung và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm hút vốn đầu tư.
Đến nay, các khu này đã đóng góp lớn vào phát triển kinh tế thông qua việc đổi mới môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút được lượng vốn lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực.
Số liệu cho thấy, tính đến hết tháng 6/2017, cả nước có 325 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 94,9 nghìn ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 64 nghìn ha, chiếm khoảng 67% tổng diện tích đất tự nhiên của các khu công nghiệp.
Trong đó, 220 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60,9 nghìn ha và 105 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 34 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 51,5%, riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%.
Về khu kinh tế, số lượng các khu kinh tế ven biển đã thành lập trên cả nước là 16 khu kinh tế, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815 nghìn ha. Ngoài ra, còn có 2 khu kinh tế (khu kinh tế ven biển Thái Bình, tỉnh Thái Bình và khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định) có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập.
Trong 16 khu kinh tế ven biển có 36 khu công nghiệp, khu phi thuế quan được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 16,1 nghìn ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 7,8 nghìn ha, chiếm khoảng 48% tổng diện tích đất tự nhiên của các khu.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút được 473 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 7,3 tỷ USD; 385 dự án đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng vốn cho hơn 139 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 114.000 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam hướng tới phát triển các ngành, lĩnh vực khác nhau nhưng lợi thế cạnh tranh của các mô hình đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc phát huy các lợi thế về quy mô, hình thành các khu sản xuất tập trung với các cơ sở sản xuất bên trong có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chi phí thấp, có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư thông qua mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế đến thời điểm này đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó thu hút vốn đầu tư có chất lượng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chưa phát huy được vai trò đầu mối để thực hiện cải cách hành chính “một cửa tại chỗ”.
Ưu đãi đầu tư cho các khu kinh tế đã được quan tâm nhưng chưa thực sự hấp dẫn; việc huy động các nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các khu kinh tế còn khó khăn; các mối liên kết kinh tế trong phát triển các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế chưa rõ ràng, hiệu quả.
“Để phát huy hơn nữa vai trò của các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo các khu công nghiệp, khu kinh tế hoạt động hiệu quả tốt, việc nghiên cứu mô hình khu kinh tế mới với những thuận lợi, hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, khắc phục những tồn tại, hạn chế của các mô hình hiện nay là cần thiết”, Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Từ kinh nghiệm quốc tế và tổng hợp các mô hình đặc khu hành chính, đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do và các mô hình tương tự khác đã được xây dựng và phát triển ở 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Ban soạn thảo Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cho biết, mô hình hút vốn đầu tư mới có thể phân theo ba cấp độ gắn với thể chế và chính sách khác nhau.
Trong đó, cấp độ 3 là cao nhất, với hệ thống thể chế kinh tế và hành chính độc lập, khác biệt so với các khu vực khác của đất nước. Hiện mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách do các tỉnh đề xuất áp dụng cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được thí điểm là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc tương đương cấp độ 1.
Ban soạn thảo cho rằng, mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự kiến xây dựng ở Việt Nam là sự kết hợp giữa mô hình đặc khu kinh tế của Trung Quốc và mô hình đặc khu hành chính, đặc khu kinh tế được phát triển ở Hàn Quốc.
Đây có thể được coi là một khu kinh tế - xã hội tổng hợp, trong đó, áp dụng một khung pháp lý đặc thù về quản lý kinh tế và quản lý hành chính nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, hiện mô hình này mới đang trong quá trình soạn thảo và chưa rõ mô hình này có thể mở đến đâu.
Song cơ quan soạn thảo cho rằng, để thúc đẩy phát triển mô hình này, các quốc gia đều áp dụng đa dạng cơ chế đặc thù về kinh tế - xã hội và hành chính như hỗ trợ ngân sách nhà nước, áp dụng miễn, giảm các loại thuế, tiền thuê đất, thời gian thuê đất, thuê hạ tầng, miễn thị thực visa, chính sách đăng ký kinh doanh, hải quan, thuế thuận lợi...
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đặc khu kinh tế đều được giao thẩm quyền mạnh mẽ theo hướng “một cửa, tại chỗ”.