Từ ngày 01/7/2020, nhiều loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử. Đây là nội dung trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 vừa được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019.
Theo đó, Luật quy định hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người được cấp. Được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Với những người dưới 14 tuổi, hộ chiếu phổ thông sẽ không gắn chíp điện tử.
Hộ chiếu phổ thông Việt Nam có màu xanh lá cây. (Ảnh: Tabalo)
Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử.
Các loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử bao gồm:
- Hộ chiếu ngoại giao
- Hộ chiếu công vụ
- Hộ chiếu phổ thông.
Hộ chiếu có gắn chip điện tử là gì?
Các thông tin có trong hộ chiếu điện tử. (Ảnh: MK Smart)
Hộ chiếu có gắn chip điện tử (e-passport) là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của cá nhân người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Hộ chiếu điện tử sử dụng công nghệ thẻ thông minh không chạm, gồm có một chíp vi xử lý (chíp máy tính) và ăng-ten (vừa để trữ năng lượng cho chíp và cho việc trao đổi thông tin) được gắn ở bìa trước hoặc bìa sau, hoặc trang giữa, của hộ chiếu. Các thông tin quan trọng của hộ chiếu được in trên cả trang dữ liệu lẫn được lưu trữ trong chíp.
Theo chia sẻ của tạp chí du lịch AFAR, chip điện tử sẽ lưu trữ những dữ liệu bao gồm thông tin cá nhân của người dùng (họ, tên, địa chỉ…), cùng với thông tin sinh trắc học (vân tay, mống mắt…) và chữ ký điện tử. Bộ phận quản lý xuất nhập cảnh sẽ kiểm tra những thông tin này để xác thực hộ chiếu không bị giả mạo hay đánh tráo.
"Phương thức truy cập thông tin trên chip điện tử của hộ chiếu tương tự như cách chúng ta dùng máy ATM. Bạn đưa thẻ vào, sau đó nhập mã PIN mới có thể rút tiền", ông Michael Holly, Giám đốc Phòng Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ với AFAR.
Để làm được hộ chiếu điện tử thì cần phải có những gì?
Quy trình làm thủ tục cấp hộ chiếu cho người dân. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)
Quy định mới nêu rõ người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu sẽ phải chụp ảnh, thu thập vân tay. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, loại hộ chiếu này không bắt buộc mà tùy thuộc vào lựa chọn của những người (đủ 14 tuổi trở lên) xuất nhập cảnh có nhu cầu sử dụng hay không.
Bộ Công an sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, quản lý, thu thập, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam xây dựng, quản lý hệ thống thông tin tiếp nhận, lưu trữ, khai thác chứng thư số phục vụ công tác cấp, quản lý hộ chiếu có gắn chíp điện tử, được kết nối với tổ chức hàng không dân dụng quốc tế để xác thực, kiểm soát hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Ngoài ra, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng có trách nhiệm cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ công tác cấp, quản lý hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Hướng dẫn các Bộ, cơ quan có liên quan sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ công tác cấp, quản lý hộ chiếu có gắn chíp điện tử. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an xây dựng hệ thống thông tin tiếp nhận, lưu trữ, khai thác chứng thư số phục vụ công tác cấp, quản lý hộ chiếu có gắn chíp điện tử, được kết nối với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế để xác thực, kiểm soát hộ chiếu có gắn chíp điện tử.