Hai thương hiệu thời trang nổi tiếng H&M và Zara đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới cửa hàng của họ và giới thiệu rất nhiều thương hiệu khác nhau tới những thị trường mới, tận dụng nguồn lực để hỗ trợ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hiện tại khiến các đối thủ cạnh tranh không thể bắt kịp được.
Inditex – đơn vị đang điều hành chuỗi cửa hàng Zara đã tuyên bố hôm thứ Tư rằng, họ sẽ mở khoảng 280 cửa hàng mới trong năm tài chính 2017, tức là tương đương với con số cửa hàng được mở ra trong năm tài chính 2016. H&M – thương hiệu thời trang tới từ Thụy Điển cũng đang lên kế hoạch mở thêm 430 cửa hàng mới.
CEO Inditex là Pablo Isla nói trong buổi công bố kết quả kinh doanh vào thứ 4 vừa qua rằng doanh số bán hàng của năm tài chính kết thúc vào Tháng 1 tăng 12% lên mức 23,3 tỷ EUR (tương đương 24,9 tỷ USD) trong khi đó lợi nhuận hoạt động tăng 9% lên mức 4 tỷ EUR.
Công ty hiện đang lên kế hoạch mở thêm cửa hàng tại 5 thị trường mới bao gồm cả New Zealand và Việt Nam, tổng cộng khoảng 93 cửa hàng, nâng con số cửa hàng lên mức 7.292.
Chiến lược nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng là nhờ mở rộng thêm nhiều thương hiệu đa dạng và mẫu mã sản phẩm thay vì tập trung tất cả nguồn lực kinh doanh vào những lĩnh vực đã được chọn lựa.
Inditex sẽ không chỉ mở thêm các cửa hàng của thương hiệu trụ cột của họ là Zara, mà còn những thương hiệu khác như Bershka và Pull&Bear với những mức giá khác nhau, thu hút nhiều tầng lớp khách hàng. Chuỗi cửa hàng nội thất The Zara Home cũng phát triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Trong khi đó, H&M tiếp tục phấn đấu thành người dẫn đầu thị trường khi họ cũng đang hoạt động theo triết lý kinh doanh tương tự. Doanh số bán hàng của H&M trong năm tài chính kết thúc vào Tháng 11/2016 đã tăng 6% lên mức gần tương đương Inditex.
H&M cũng sẽ mở rộng ra 5 thị trường mới bao gồm cả Việt Nam, Kazakhstan và Colombia trong năm tài chính này, họ cũng sẽ mở thêm những chuỗi như COS và Monki.
Nhìn chung cả 2 hãng “thời trang mỳ ăn liền” dẫn đầu thị trường đang tiếp tục phát triển không ngừng. H&M đã tổ chức show thời trang tại Paris vào Tháng 3 này và những mẫu quần áo trình diễn sau đó đã ngay lập tức có mặt trong các cửa hàng.
Cả 2 thương hiệu cũng đang tập trung vào thương mại điện tử. Inditex đã điều hành chuỗi bán lẻ trực tuyến tại 43 thị trường trên khắp thế giới và Thái Lan và Ấn Độ sẽ là những thị trường tiếp theo.
Trong khi đó H&M mở rộng nền tảng bán hàng trực tuyến ra 35 thị trường trong năm tài chính 2016 và sẽ thêm 6 thị trường nữa trong năm 2017. Rất nhiều khách hàng chọn những mẫu mã online và sau đó tới cửa hàng mua. CEO H&M là Karl-Johan Persson nói rằng rất hài lòng với mức lợi nhuận từ bán hàng trực tuyến.
Sức mạnh của 2 ông lớn kể trên đang khiến nhiều đối thủ cạnh tranh "kiệt sức".
Công ty của Thụy Sỹ là Charles Vogole’s Dutch - đơn vị điều hành 95 cửa hàng đã phải nộp đơn phá sản vào tháng 1.
Trong khi đó, Uniqlo cũng không thể bắt kịp với 2 gã khổng lồ mặc dù CEO Tadashi Yanai nhận thức rõ được rằng “toàn cầu” và “kỹ thuật số” là 2 xu hướng dẫn đầu thế giới hiên tại. Công ty Nhật Bản hạ mục tiêu doanh thu 5 nghìn tỷ yen (44 tỷ USD) tới năm 2020 xuống còn 3 nghìn tỷ yen vào mùa thu năm ngoái.
Các đối thủ cạnh tranh của 2 hãng bán lẻ hàng đầu kể trên cũng nhận ra rằng giảm giá và quần áo chất lượng cao là chưa đủ để dẫn đầu thị trường. Inditex và H&M hiện đang phát triển mạng lưới phân phối toàn cầu để có thể vận chuyển các sản phẩm mới nhanh chóng và đầu tư mạnh cho hệ thống thông tin.