Bà Lê Thị Thu Hằng
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 21/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về diễn biến này, bà Hằng nói: “Hoạt động hợp tác an ninh quốc phòng của các quốc gia cần hợp vào luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc, các điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới”.
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc và quần đảo Solomon xác nhận ngoại trưởng của hai nước đã ký kết thoả thuận hợp tác an ninh. Nội dung của thoả thuận chưa được công bố.
Ngày 20/4, Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare khẳng định thoả thuận không nhằm vào quốc gia hay liên minh bên ngoài nào, mà chỉ vì tình hình an ninh nội bộ của nước này.
Trước đó, dự thảo thoả thuận bị rò rỉ cho thấy Trung Quốc được phép đưa lực lượng an ninh đến quần đảo Solomon. Theo dự thảo, cảnh sát vũ trang Trung Quốc có thể được điều đến quần đảo Solomon để “duy trì trật tự xã hội”. Ông Sogavare nhiều lần khẳng định sẽ không cho phép Trung Quốc mở căn cứ quân sự ở đây.
Mỹ và Úc đang lo ngại nguy cơ Trung Quốc hiện diện quân sự ở quần đảo nằm cách Úc chưa đến 2.000km.
Vận hành các tuyến đường sắt liên vận Việt – Trung
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đưa vào khai thác một số tuyến đường sắt liên vận giữa Việt Nam và Trung Quốc, bà Hằng cho biết, trong 2 ngày 15-16/4 đã có một số tuyến đường sắt liên vận vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu từ một số địa phương của Trung Quốc như Tứ Xuyên và An Huy tới Việt Nam đã bắt đầu vận hành.
“Chúng tôi cho rằng đường sắt liên vận quốc tế là phương thức vận tải an toàn, hiệu quả, với nhiều ưu điểm về thời gian, giá thành vận chuyển, sẽ góp phần thúc đẩy giao thông thông suốt giữa hai nước và kết nối với một số thị trường khác. Kết nối vận tải đường sắt phù hợp với hợp tác giữa hai nước nhằm thúc đẩy kết nối trong khuôn khổ sáng kiến Hai hành lang Một vành đai với Vành đai và Con đường”, bà Hằng nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam và Trung Quốc là hai đối tác thương mại quan trọng của nhau. Thương mại song phương đạt 165,9 tỷ USD in 2021, tăng 24,6%. Trong quý 1 năm nay, thương mại song phương đạt 40,8 tỷ, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
"Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy thương mại song phương, phát triển ổn định, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên", bà Hằng nói.