Việt Nam nhập siêu lớn chỉ trong 15 ngày đầu tháng 7

Tuấn Việt |

Xuất khẩu trong nửa đầu tháng 7 giảm khá mạnh so với kỳ liền trước, trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng...

Theo số liệu công bố mới nhất từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7, Việt Nam lại trở lại với thâm hụt thương mại lớn, lên tới 2,01 tỷ USD.

Cụ thể, trong nửa đầu tháng 7, xuất khẩu của Việt Nam đạt 14,29 tỷ USD, giảm 19,5% so với kỳ liền kề. Ở chiều ngược lại nhập khẩu đạt 16,3 tỷ USD, tăng 4,5%.

Việc đảo chiều cán cân thương mại mức độ lớn như trong kỳ đầu tháng 7 cũng từng thể hiện trong nửa đầu tháng 5 vừa qua. Khi đó, với việc thâm hụt 2,7 tỷ USD ngay trong kỳ 1 của tháng 5, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã lập tức đảo chiều từ mức xuất siêu 2,53 tỷ USD sau 4 tháng đầu năm về thâm hụt hơn 223 triệu USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 7, các nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn (đạt 1 tỷ USD trở lên) gồm: Điện thoại và linh kiện đạt 1,86 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,84 tỷ USD; dệt may đạt gần 1,8 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,66 tỷ USD; giày dép đạt 1,09 tỷ USD.

Chiều ngược lại, nhóm nhập khẩu tỷ USD tiếp tục ghi nhận 2 nhóm mặt hàng là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,84 tỷ USD và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,1 tỷ USD.

Với diễn biến vừa ghi nhận, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến 15/7 ước đạt 403,11 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 201,08 tỷ USD, tăng 17,3%; còn nhập khẩu đạt 202.03 tỷ USD, tăng 15,3%.

Như vậy, ước tính, Việt Nam vừa quay trở lại nhập siêu xấp xỉ 1 tỷ USD. Trước đó, cán cân thương mại nửa đầu năm ghi nhận Việt Nam đã xuất siêu với giá trị hơn 740 triệu USD.

VIỆT NAM NHẬP SIÊU LỚN TỪ KHU VỰC CHÂU Á

Theo số liệu hải quan, trong nửa đầu năm, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 239,45 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này tiếp tục đưa Châu Á thành đối tác chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 64,5% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.

 Việt Nam nhập siêu lớn chỉ trong 15 ngày đầu tháng 7  - Ảnh 1.

Với giá trị xuất khẩu sang khu vực Châu Á đạt hơn 85,8 tỷ USD, trong khi nhập khẩu ngược lại tới 153,6 tỷ USD. Việt Nam hiện nhập siêu từ khu vực này lên tới hơn 67,7 tỷ USD trong nửa đầu năm.

Trong khu vực Châu Á nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, thâm hụt thương mại của Việt Nam với hai quốc gia là Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm giá trị và tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu.

 Việt Nam nhập siêu lớn chỉ trong 15 ngày đầu tháng 7  - Ảnh 2.

Đơn vị: Tỷ USD

Với gần 35 tỷ USD nhập siêu từ Trung Quốc và hơn 20,4 tỷ USD nhập siêu từ Hàn Quốc, riêng 2 quốc gia này đã chiếm tới gần 82% phần thâm hụt thương mại của cả khu vực Châu Á.

Một điểm đáng chú ý khác, toàn bộ hoạt động thương mại giữa Việt Nam với các đối tác lớn thuộc khu vực Châu Á là ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - Việt Nam hiện đều là phía có thâm hụt thương mại.

 Việt Nam nhập siêu lớn chỉ trong 15 ngày đầu tháng 7  - Ảnh 3.

ĐV: Tỷ USD

Với các châu lục khác, trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các đối tác nửa đầu năm nay lần lượt là: châu Mỹ: 79,72 tỷ USD, tăng 20%; châu Âu: 39,07 tỷ USD, tăng 9,7%; châu Đại Dương: gần 9 tỷ USD, tăng 35,1% và châu Phi: 4,08 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3% so với 6 tháng năm 2021.

Trong đó, có 2 khu vực Việt Nam đang có thặng dư thương mại/xuất siêu lớn đó là khu vực Châu Mỹ (chủ yếu là Hoa Kỳ) và Châu Âu (bao gồm cả EU).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại