Cụ thể, EVN ký với Phongsubthavy hợp đồng mua bán điện tại Dự án thuỷ điện Nậm San 3A, Nậm San 3B, với tổng sản lượng hơn 596 triệu kWh mỗi năm.
Đồng thời, ký với Chealun Sekong hợp đồng mua bán điện Dự án thuỷ điện Nậm Emoun, Nậm Kông 2, Nậm Kông 3, tổng sản lượng gần 894 triệu kWh một năm.
EVN đẩy mạnh mua điện từ Lào nhằm bổ sung nguồn điện thiếu hụt trong nước.
Theo EVN, chủ trương mua điện từ các nhà máy thuỷ điện nêu trên đã được Thủ tướng chấp thuận trong năm 2019. Việc đàm phán các hợp đồng mua bán điện theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, lượng điện thiếu hụt ước tính 3,7 tỷ kWh vào năm 2021, sau đó tăng lên gần 10 tỷ kWh vào 2022.
Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thiếu điện là do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch. Có thể kể một số dự án của EVN chậm tiến độ như Quảng Trạch 1 (chậm khoảng 2 năm), thủy điện Hòa Bình mở rộng và Yaly mở rộng (chậm 2-4 năm), nhiệt điện Ô Môn IV (chậm khoảng 2 năm), Ô Môn II (chậm khoảng 5 năm)...
Nhiều dự án điện của PVN cũng chậm tiến độ ít nhất 3 năm như Thái Bình 2, Sông Hậu 1 và Long Phú 1, Nhơn Trạch 3 và 4. Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản cũng có 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên như Na Dương 2, Quỳnh Lập 1...
Do đó, việc mua điện từ Lào nhằm đảm bảo cung ứng điện, bên cạnh các nguồn điện trong nước và tạo điều kiện cho Lào phát triển kinh tế xã hội.