Chiến thắng đấy giúp thầy trò HLV Park Hang-seo tự tin và dễ tính toán hơn trong chặng đường vào chung kết. Nhưng với Malaysia thì thất bại trên lại giúp họ hồi sinh khi bị đẩy vào cửa tử và trở nên đội bóng bất khuất sau một lần chết hụt.
Hai đội bóng, hai tư thế chạy đà khác nhau nhưng cùng có một điểm chung là sức mạnh tinh thần. Thứ sức mạnh mà Thái Lan với tư cách đương kim vô địch đến khi bị loại ngay giữa "chảo lửa" Rajamangala rồi mới hiểu vì sao mình không thua trận nào mà bị loại.
Đó cũng là thứ sức mạnh mà Philippines mang tất cả những gì mình có đến Mỹ Đình rồi trắng tay về nước mà thán phục tinh thần của các cầu thủ Việt Nam.
"Tất nhiên là may mắn chỉ đến với một tập thể biết nỗ lực không ngừng nghỉ".
Đúng 10 năm sau lần cùng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, HLV Calisto trở lại Việt Nam gặp lại các học trò cũ và bạn bè. Ông tâm sự rất nhiều về những kỷ niệm đẹp nhất đời HLV của ông, trong đó chiếc cúp AFF 2008 luôn làm ông phấn khích khi nhắc đến.
Đã không dưới hai lần tôi hỏi ông điều gì làm nên nhà vô địch 2008. Ông nhún vai theo thói quen, chỉ vào đầu, vào tim rồi nhấn mạnh: "Chưa đủ đâu, còn phải may mắn nữa!".
Ngẫu nhiên trong câu chuyện về nhà vô địch cần phải có may mắn nữa mà ông nhấn mạnh đều liên quan đến Malaysia - đối thủ ở chung kết của đội tuyển Việt Nam. Đó là sự hồi sinh của thầy trò ông Calisto sau bàn thắng "rùa" của Vũ Phong trước Malaysia ở vòng loại, rồi sau đó là chuỗi thành tích vẻ vang của đội tuyển Việt Nam đi một lèo đến ngôi vô địch.
Ở thái cực ngược lại, đó là trận chung kết SEA Games 2009 mà đội Việt Nam hơn ở tất cả trừ một bàn thắng để rồi mất vàng chỉ vì cú phá bóng vào lưới nhà trong một trận chung kết mà Malaysia không sút quả nào ra hồn.
Để giải thích cho hai từ "may mắn", ông Calisto nói cụ thể hơn: "Tất nhiên là may mắn chỉ đến với một tập thể biết nỗ lực không ngừng nghỉ".
Từ vòng chung kết U-23 châu Á, sang Asiad và bây giờ là AFF Cup, bóng đá Việt Nam đang thực hiện sứ mệnh của một tập thể biết nỗ lực không ngừng nghỉ. Họ luôn cho thấy mình là một đội bóng gắn bó và cầu thủ ra sân từ phút đầu hay ở ghế dự bị cũng là những mắt xích rất quan trọng. Và tất nhiên tập thể đấy cũng có những may mắn nhất định trừ mỗi trận hòa Myanmar.
Malaysia thì không có may mắn ở những giải châu Á. Họ cũng không may mắn ở vòng bảng khi gặp Việt Nam; không may mắn ở lượt đi bán kết với Thái Lan… nhưng may mắn khi rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm từ những trận kém may đấy. Rõ nhất là hai bàn thắng hạ gục Thái Lan ở bán kết lượt về sau 90 phút ở lượt đi bị chỉ trích là đá rất hay nhưng không biết ghi bàn.
Nói đến may mắn không phải là đá bóng mà lệ thuộc mặt sấp hay ngửa của đồng xu. Càng không phải là có may mắn thì lối chơi, kỹ chiến thuật hay tinh thần, sức lực sẽ là thứ yếu… Tuy nhiên, trong một thế trận quá cân bằng, chặt chẽ và khi những cá nhân không nổi trội không làm thay đổi cục diện được thì chút may mắn hay một nhận định của "vua sân cỏ" cũng có thể biến đổi một cán cân.
Cái may của Malaysia là bán kết họ chơi thứ bóng đá "chặt chém" rất dữ nhưng trọng tài cứ như "không thấy". Khác rất nhiều với thầy trò ông Park Hang-seo có những lúc trọng tài thấy cũng như không.
90 phút ở Bukit Jalil sẽ rất khắc nghiệt và đòi hỏi các cầu thủ trẻ phải rất tỉnh và cả may mắn để không bị làm khó trước lượt về.