Báo cáo Centi-Millionaire 2024 do Henley & Partners và New World Wealth công bố mới đây cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới hiện có 29.350 cá nhân có tài sản đầu tư thanh khoản từ 100 triệu USD trở lên.
“Centi-Millionaire” là thuật ngữ dùng để chỉ những người có tài sản ròng từ 100 triệu USD – dưới 1 tỷ USD. Thuật ngữ này được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính và kinh tế để phân biệt giữa những người giàu có nhưng chưa đạt đến mức tỷ phú (billionaire).
Trong suốt một thập kỷ qua, nhóm triệu phú này đã ghi nhận mức tăng trưởng 54% trên toàn cầu. Đáng chú ý, sự phân bố giới siêu giàu này tại các khu vực trên thế giới đang có sự thay đổi. Cụ thể, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trải qua sự bùng nổ của những triệu phú đô la, với mức tăng trưởng vượt trội hơn đáng kể so với khu vực châu Âu.
Đáng chú ý nhất phải nói đến sự trỗi dậy của các triệu phú tại Trung Quốc, với số triệu phú tăng 108% trong 10 năm qua, thậm chí vượt xa cả thành tích ấn tượng của Hoa Kỳ, nơi nhóm siêu giàu tăng 81% trong cùng kỳ. Ngược lại, sự tăng trưởng triệu phú đô la tại châu Âu chỉ tăng 26% trong vòng 10 năm qua.
Số liệu từ báo cáo cho thấy , 1/3 số triệu phú đang chủ yếu cư trú tại 50 thành phố trên toàn thế giới. Trong số Top 50 thành phố dành cho triệu phú, 15/50 thành phố nằm ở Hoa Kỳ.
Trong đó, New York thống trị bảng xếp hạng với 744 triệu phú đang thường trú, theo sát là Bay Area (bao gồm San Francisco và Thung lũng Silicon) với 675 người, và Los Angeles với 496 cư dân siêu giàu.
Báo cáo đánh giá, những thành phố này không chỉ duy trì vị trí dẫn đầu trên toàn cầu trong thập kỷ qua mà còn dự kiến sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể hơn 50% trong dân số siêu giàu của họ trong 10 năm tới.
Các thành phố châu Á đang nhanh chóng trở thành điểm nóng cho giới siêu giàu
Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng, các thành phố châu Á đang nhanh chóng trở thành điểm nóng cho giới siêu giàu, với 4 thành phố và vùng lãnh thổ hiện nằm trong top 10 nơi có số lương triệu phú nhiều nhất thế giới.
Những thành phố này gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc) đứng ở vị trí thứ 5 trên toàn thế giới với 347 triệu phú; Singapore bám sát ở vị trí thứ 6 với 336 triệu phú. Theo sau là Thượng Hải (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc) với số lượng triệu phú lần lượt là 322 và 320.
Đến năm 2040, báo cáo đánh giá, quỹ đạo tăng trưởng của triệu phú đô la vẽ nên một bức tranh hấp dẫn về sự tích lũy của cải và di cư. Một số thành phố châu Á và Trung Đông được xem là những khu vực tiềm năng sẽ chứng kiến sự bùng nổ tăng trưởng.
Các thị trường mới nổi cũng sẽ tạo dấu ấn của mình. Riyadh ở Ả Rập Xê Út và Bengaluru ở Ấn Độ đều được dự báo sẽ có mức tăng trưởng hơn 150% về số lượng triệu phú trong 16 năm tới.
Đáng chú ý, TP.HCM cũng được dự báo là một trong những thành phố sẽ chứng kiến sự gia tăng cộng đồng triệu phú, với tốc độ tăng trưởng trên 150% đến năm 2040.
Trưởng phòng nghiên cứu của New World Wealth, ông Andrew Amoils, chỉ ra rằng hơn 60% triệu phú là doanh nhân và người sáng lập công ty, điều này khiến họ trở nên đặc biệt quan trọng khi nói đến việc tạo ra của cải.
"Các doanh nghiệp do triệu phú khởi nghiệp có tác động lan tỏa tích cực đáng kể đến tầng lớp trung lưu vì họ tạo ra số lượng lớn việc làm được trả lương cao tại quốc gia cơ sở của họ. Cũng đáng chú ý là hầu hết các công ty trong danh sách Fortune 500, S&P 500, CAC 40, FTSE 100 và Nikkei 225 đều do những cá nhân khởi nghiệp và sau đó trở thành triệu phú", ông Andrew Amoils phân tích.