Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: Ba ưu tiên và chương trình làm việc bận rộn

Cao Lực |

Các chủ đề thảo luận quan trọng được thúc đẩy thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xung đột và thúc đẩy hòa bình bền vững

Đại sứ Đặng Đình Quý chủ trì cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm 1-4 Ảnh: TTXVN

Đại sứ Đặng Đình Quý chủ trì cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm 1-4 Ảnh: TTXVN

Hôm 1-4 (giờ Mỹ), Việt Nam đã tiến hành các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) trong tháng 4-2021. Đây là lần thứ 2 và cũng là lần cuối cùng Việt Nam đảm nhiệm vai trò này trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Theo TTXVN, HĐBA LHQ đã thông qua chương trình làm việc tháng 4-2021 do Việt Nam đề xuất. Theo đó, HĐBA dự kiến sẽ có 15 cuộc họp công khai, 10 cuộc họp kín thảo luận về các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế như tình hình Trung Đông, Syria, Libya, Yemen, Sudan, Nam Sudan, Mali, khu vực Hồ Lớn, Tây Sahara, Colombia và Kosovo. Các cơ quan trực thuộc HĐBA cũng sẽ có nhiều cuộc họp trong tháng.

Đặc biệt, HĐBA LHQ cũng đã thông qua 4 hoạt động thảo luận mở do Việt Nam chủ trì thúc đẩy về các nội dung khắc phục hậu quả bom mìn vào ngày 8-4, bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang ngày 14-4, hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, tiểu khu vực ngày 19-4 và bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày 27-4. Nhằm thực hiện cam kết minh bạch hóa và thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của các nước thành viên LHQ trong khi thực hiện vai trò Chủ tịch HĐBA, Việt Nam đã giới thiệu chương trình làm việc đến các nước thành viên LHQ ngoài HĐBA.

Trong vai trò nói trên, Việt Nam dự kiến thúc đẩy ba ưu tiên cụ thể. Đó là tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột; khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn; bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.

Các nước gửi lời chúc mừng Việt Nam chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4-2021, cảm ơn sự quan tâm và nỗ lực của Việt Nam trong việc đóng góp vào hoạt động của HĐBA cũng như tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế. Các nước thành viên LHQ cũng bày tỏ mong muốn HĐBA sớm tổ chức các cuộc họp trực tiếp để tạo cơ hội cho đông đảo các nước thành viên LHQ tham gia vào thảo luận của HĐBA. Các nước cũng hoan nghênh các chủ đề thảo luận quan trọng được Việt Nam thúc đẩy trong tháng Chủ tịch (4-2021) và nhận định đây là các chủ đề đa dạng, đặt con người ở vị trí trung tâm, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xung đột và thúc đẩy hòa bình bền vững.

Chiều cùng ngày, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, đã chủ trì buổi họp báo quốc tế trực tiếp kết hợp trực tuyến trên cương vị Chủ tịch HĐBA ở trụ sở LHQ. Đông đảo phóng viên, đại diện các hãng thông tấn, báo chí thường trú tại LHQ đã tham dự và đặt nhiều câu hỏi về công việc của HĐBA, những ưu tiên của Việt Nam trong tháng Chủ tịch cũng như tình hình một số điểm nóng ở các khu vực trên thế giới.

Việt Nam thúc đẩy đối thoại giải quyết khủng hoảng Myanmar

Tình hình Myanmar là vấn đề nóng được đề cập nhiều tại buổi họp báo của Đại sứ Đặng Đình Quý hôm 1-4. Theo ông Quý, ưu tiên hàng đầu hiện nay là chấm dứt bạo lực, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, triển khai các hoạt động nhân đạo và tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán. Ông nhấn mạnh các bên cần tìm mọi cách để cùng ngồi xuống và đối thoại. Đại sứ Đặng Đình Quý cũng chia sẻ các nỗ lực của ASEAN trong việc tìm kiếm giải pháp hỗ trợ Myanmar, kêu gọi LHQ và các nước tăng cường phối hợp với ASEAN để nhanh chóng giải quyết vấn đề này bằng đối thoại.

Trong tuyên bố chung sau đó cùng ngày, HĐBA LHQ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình xấu đi nhanh chóng ở Myanmar, đồng thời lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực chống lại đám đông biểu tình ôn hòa. Kêu gọi quân đội Myanmar "kiềm chế tối đa", tuyên bố chung tái khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền, theo đuổi nỗ lực đàm phán và hòa giải một cách phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của người dân nước này. Theo một đại sứ giấu tên, việc HĐBA LHQ có thể đưa ra tiếng nói chung về tình hình ở Myanmar đã gửi "một tín hiệu rất quan trọng".

Kể từ khi cuộc đảo chính diễn ra hôm 1-2, căng thẳng tại Myanmar vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi hơn 500 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự. Trong khi đó, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có động thái trừng phạt của một số quốc gia phương Tây nhằm vào chính quyền quân sự Myanmar, vẫn chưa thể giúp khôi phục hòa bình tại nước này.

Trong động thái mới nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu hôm 2-4 cho biết Tokyo sẽ thúc giục các bên ở Myanmar đối thoại để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Trước đó, tại cuộc họp với người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan tại tỉnh Phúc Kiến hôm 31-3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng lên tiếng ủng hộ nỗ lực của ASEAN nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 tháng ở Myanmar.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại