Việt Nam không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ

Minh Đức |

Ngân hàng Nhà nước lý giải quan điểm và cơ sở pháp lý về tiền ảo, tiền điện tử và tài sản ảo, trước nhiều thông tin nổi lên gần đây.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền ảo được xem xét quản lý dưới ba góc độ: tiền tệ, phương tiện thanh toán; tài sản ảo; hàng hóa (khi được đưa vào giao dịch trao đổi, chuyển nhượng, mua, bán...).

Dưới góc độ là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, qua nghiên cứu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hầu hết các quốc gia không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp, bởi hai lý do chính.

Thứ nhất, nếu chấp nhận nó là tiền tệ, là phương tiện thanh toán hợp pháp thì chủ quyền quốc gia về phát hành tiền tệ bị xâm phạm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ (tiền ảo nằm ngoài phạm vi quản lý, điều tiết của ngân hàng trung ương).

Thứ hai, tiền ảo được chấp nhận sẽ tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp vì các giao dịch thanh toán bằng tiền ảo là ẩn danh, không có dấu vết.

Tại Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán.

Cụ thể, cơ quan này đã trình Chỉnh phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đã bổ sung quy định về phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam (không bao gồm bitcoin và các loại tiền ảo) và bổ sung quy định cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phuong tiện thanh toán không hợp pháp (như Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự).

Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó đã quy định chế tài xử phạt vi phạt hành chính đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Tư pháp bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp.

Còn dưới góc độ là tài sản ảo, hàng hóa, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, về bản chất tiền ảo là một loại tài sản ảo (thường có tên gọi là coin). Bộ luật Dân sự năm 2005 và cả Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có định nghĩa, quy định cụ thể điều chỉnh đối với tài sản ảo (bao gồm cả tiền ảo với tư cách là một loại tài sản ảo).

“Chính vì lẽ đó, việc nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, về bản chất, cũng như việc rà soát đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về tài sản ảo dưới góc độ là một loại tài sản là cần thiết”, Ngân hàng Nhà nước đặt vấn đề.

Còn với “tiền điện tử”, Ngân hàng Nhà nước cho biết thuật ngữ này chưa được quy định trong các văn bản pháp luật về ngân hàng, cụ thể là chưa được quy định trong Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng.

Nhưng về bản chất chính, tiền điện tử là tiền thật được điện tử hóa (lưu giữ, thanh toán, chuyển tiền, giao dịch qua các phương tiện điện tử).

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, hiện tại khung pháp lý quản lý đối với “tiền điện tử” đã có đầy đủ để điều chỉnh và đang được thực hiện bình thường, không nảy sinh vướng mắc, cũng như cơ sở pháp lý để quản lý tiền điện tử đã hoàn thiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại