Việt Nam học được gì từ áp giá sàn vé máy bay ở các nước khác?

Đinh Hồng Hạnh |

Tại một số nước trên thế giới, áp dụng giá sàn là một hình thức nhằm giảm cạnh tranh không lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hàng không. Tuy nhiên, tác dụng của việc này là một dấu hỏi lớn vì sau khi áp dụng, nhiều nước đã bãi bỏ.

Năm 2008, nhiều hãng hàng không Trung Quốc đã giảm giá liên tục từ 70 – 80% để thu hút khách hàng trong khi thị trường tăng trưởng chậm chạp. Theo thống kê của Cục Hàng không Trung Quốc (CAAC), trong 11 tháng đầu năm 2008, các hãng hàng không nước này đã mất hơn 7 tỷ nhân dân tệ (1 tỷ USD).

Vì vậy, năm 2009, CAAC ấn định giá sàn trên 699 chuyến bay nhằm ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh, các hãng hàng không đã được yêu cầu không bán vé dưới 45% chi phí trực tiếp.

Chính sách này khiến cho giá vé máy bay nội của Trung Quốc thuộc vào mức cao trên thế giới. Theo một điều tra được công bố năm 2016, vé máy bay nội địa bình quân ở nước này là 13,1 USD/100 km, cao gấp 3,7 lần so với Hoa Kỳ và 5,6 lần so với Malaysia.

Trong khi đó, giá vé đường bay quốc tế của Trung Quốc (không bị áp giá sàn) chỉ là 2,84 USD/km. Đến nay, chính sách giá sàn của Trung Quốc nay đã được hủy bỏ.

Trong khi đó, tại Indonesia, trước 2015, Chính phủ quy định mức giá sàn cho vé máy bay là 30% giá trần để phòng ngừa nguy cơ cạnh tranh giá quá thấp so với giá thành. Tuy nhiên, khi một loạt các sự cố hàng không của nước này diễn ra, 2007 EU đã cấm tất cả các hãng hàng không Indonesia bay đến EU.

Đến cuối 2015, sau tai nạn của AirAsia, Chính phủ Indonesia đã tăng giá sàn lên 40% giá trần nhằm giúp tăng lợi nhuận của các hãng hàng không, cho phép họ chi tiêu nhiều hơn cho an toàn. Tuy nhiên, điều thú vị là Indonesia chưa cải thiện được mức độ an toàn bay nội địa, và ở mức thuộc hàng thấp nhất trên thế giới theo đánh giá của Airlineratings.com năm 2016.

Còn ở Ấn Độ, Chính phủ cho rằng giá vé máy bay không được điều chỉnh bởi Nhà nước vì chúng được xác định bởi sự tương tác của các lực lượng trên thị trường. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ giới hạn mức giá trần để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân. Giá vé sàn sẽ phụ thuộc vào chi phí hòa vốn của mỗi hãng hàng không. Nhờ đó, mức giá vé nội địa của Ấn Độ ở mức 2,27 USD/km - ở mức thấp trên thế giới.

Tại Argentina, một trong số ít quốc gia không có hàng không giá rẻ, năm 2002, Chính phủ áp đặt mức giá sàn và giá trần cho vé máy bay nhằm ổn định ngành hàng không và đảm bảo lợi nhuận sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2001. Tuy nhiên, điều này khiến chi phí chuyến bay của Argentina quá cao, đứng 32 trong số 75 về giá (theo chỉ số giá hàng không tính bởi Kiwi.com).

Năm 2015, trung bình chỉ có 3/10 người Argentina lên các chuyến bay, thấp hơn rất nhiều so với các nước cùng khu vực như Brazil hay Colombia. Điều này khiến ngành hàng không tăng trưởng chậm trong một thời gian dài. Đến 2015, Chính phủ đã gỡ bỏ hạn chế giá trần và các hãng hàng không đang kỳ vọng giá sàn sẽ được loại bỏ vào năm 2017.

Bình luận về đề xuất giá sàn với vé máy bay nội địa, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam nói: “Có hai lý do để đề xuất giá sàn đối với dịch vụ hàng không nội địa.

Các doanh nghiệp bị cạnh tranh thì lo ngại đối thủ cắt giảm giá thấp hơn chi phí, thậm chí đưa ra mức giá thấp kỷ lục hay còn gọi là “cạnh tranh hủy diệt”, nhằm chiếm lĩnh thị trường. Cơ quan chức năng thì lo ngại các hãng cạnh tranh giá rẻ cắt giảm chi phí, không đảm bảo tiêu chuẩn dịch vụ, ảnh hưởng an toàn bay.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đặt giá sàn để giải quyết hai vấn đề này không phải là một chính sách tốt”.

Còn trả lời tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra gần đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Vietnam Airlines cũng có giá vé 0 đồng và đây là hình thức khuyến mại thông thường. Ông Trường tái khẳng định, cơ quan Nhà nước sẽ không bảo hộ cho bất cứ hãng hàng không nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại