Theo U.S. News & World Report, việc xác định các quốc gia hùng mạnh/quyền lực nhất thế giới không phải lúc nào cũng rõ ràng và mang nặng tính chủ quan. Các quốc gia hùng mạnh nhất là những quốc gia định hình nên kinh tế toàn cầu, được các nhà hoạch định chính sách quan tâm và cũng có thể là quốc gia có lực lượng quốc phòng, trang bị quân sự mạnh.
Các chính sách đối ngoại của các quốc gia hùng mạnh được theo dõi chặt chẽ và luôn phủ sóng tin tức trên khắp thế giới.
Mới đây, U.S. News & World Report, hợp tác với BAV Group và Trường Wharton của Đại học Pennsylvania, đã lập ra phương pháp xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới (Most Powerful Countries), nằm trong khuôn khổ báo cáo thường niên Best Countries Rankings (Quốc gia tốt nhất) của tổ chức này.
US News & World Report là một công ty truyền thông của Mỹ chuyên xuất bản tin tức, thực hiện các bảng xếp hạng và phân tích.
Nhóm đã khảo sát hơn 20.000 người từ bốn khu vực trên toàn cầu: châu Mỹ, châu Á, châu Âu và Trung Đông + châu Phi. Những người tham gia khảo sát được hỏi các câu hỏi về 80 quốc gia với 5 tiêu chí: hợp tác quân sự, hợp tác quốc tế, ảnh hưởng chính trị, ảnh hưởng kinh tế (bao gồm xuất khẩu mạnh) và khả năng lãnh đạo.
10 quốc gia hùng mạnh nhất, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu này là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Theo khảo sát được thực hiện vào năm 2020 (công bố năm 2021), Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Hoa Kỳ có nền kinh tế lớn nhất thế giới, với GDP 20,93 nghìn tỷ USD vào năm 2020 và ngân sách quân sự khổng lồ nhất là 778 tỷ USD vào năm 2020. Chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ cao hơn tổng chi tiêu quốc phòng của 10 nước lớn nhất tiếp theo (Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Anh, Ả Rập Saudi, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ý).
Trung Quốc và Nga là hai quốc gia hùng mạnh thứ hai và thứ ba, được biết đến với chi tiêu quân sự và quy mô GDP rất lớn. Trung Quốc có nền kinh tế lớn với GDP 14,3 nghìn tỷ USD. Tiếp theo trong danh sách là Đức, Anh, Nhật Bản và Pháp, tất cả đều có nền kinh tế lớn và phân phối nhiều viện trợ quốc tế.
Trong bảng xếp hạng về sự hùng mạnh/quyền lực, Việt Nam đứng thứ 25 thế giới, thứ 10 châu Á và thứ 2 Đông Nam Á sau Singapore. Việt Nam có thứ hạng cao hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia. Theo đánh giá của U.S. News và World Report, tuy ảnh hưởng về quy mô kinh tế của Việt Nam chưa ở mức cao nhưng lại có thế mạnh về xuất khẩu.
Cũng trong báo cáo Best Countries Ranking, Việt Nam có thứ hạng khá cao về mức độ cởi mở với khởi nghiệp, với chi phí lao động rẻ, đứng thứ 21/80 quốc gia. Việt Nam đứng thứ 25/80 về di sản văn hóa, với đồ ăn ngon, lịch sử phong phú và nhiều danh lam thắng cảnh. Về chất lượng cuộc sống, Việt Nam đứng thứ 32/80, với giá cả rất phải chăng.