"Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam", Thủ tướng nói ngày 10/9. "Chúng tôi đang tìm những cách mới để tăng trưởng kinh tế".
Theo Bloomberg, nền kinh tế Việt Nam luôn nhạy cảm với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi kim ngạch thương mại tương đương tới hai lần tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam, một tỷ lệ lớn hơn của bất kỳ quốc gia nào khác tại khu vực châu Á, ngoài Singapore.
Khoảng 1/4 kim ngạch thương mại của Việt Nam là giao thương với Trung Quốc, quốc gia đang có nguy cơ bị Washington áp thuế quan bổ sung lên toàn bộ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với Bloomberg rằng điều quan trọng là Việt Nam phải duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu và mức sống cho 96 triệu người dân. Ông khẳng định Việt Nam vững vàng trong bối cảnh các thách thức toàn cầu và muốn có nhiều hơn 12 thỏa thuận thương mại đã có hiện nay.
"Chúng tôi sẽ phải tự lực và giữ ổn định để có thể vượt qua bất kỳ trở ngại nào và để duy trì động lực tăng trưởng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nói Việt Nam sẽ nỗ lực gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và "theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường quốc tế tế để quản lý tỷ giá đồng tiền bằng các chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, kết hợp với chính sách tài khóa chặt chẽ".
Trong 6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,1%, mức tăng cao thứ nhì ở khu vực châu Á, sau Ấn Độ. Tháng trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, dựa trên sức khỏe của hệ thống ngân hàng được cải thiện, mức nợ ổn định, và hiệu quả sử dụng vốn tăng.
Việt Nam đồng là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở khu vực châu Á năm nay, trong khi nhiều đồng tiền khác giảm mạnh, như đồng Rupee của Ấn Độ và Rupiah của Indonesia.
Tỷ lệ phần trăm của xuất khẩu so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của một số quốc gia xuất khẩu lớn tại khu vực châu Á năm 2017 - Nguồn: Ngân hàng Thế giới (WB)/Bloomberg.
Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam đạt mức kỷ lục 215 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 42 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần so với 5 năm trước đây.
Việt Nam là nước có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ sáu, đạt mức 39 tỷ USD trong năm ngoái, chỉ sau mức thặng dư với Mỹ của Trung Quốc, Mexico, Đức, Canada và Nhật Bản. Tuy nhiên, đến nay, Tổng thống Donald Trump chưa phàn nàn gì về quan hệ thương mại Mỹ-Việt.
"Tôi đã nói với ông Trump rằng tôi nhất trí với ông ấy về việc Việt Nam và Mỹ cần cân bằng quan hệ thương mại. Tuy nhiên, những mặt hàng mà chúng tôi xuất khẩu sang Mỹ thực sự mang lại lợi ích cho người Mỹ, và dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam cũng thực sự tích cực", Thủ tướng nói.