Việt Nam đang thiếu 100.000 người làm nghề này, được lương “ưu tiên xếp cao nhất"

Dy Khoa |

Cả nước đều đang cần người làm công việc này.

Nội dung chính

  • Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Văn bản này đề cập đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục.

Đồng thời, thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng.

Việt Nam đang thiếu 100.000 người làm nghề này, được lương “ưu tiên xếp cao nhất"- Ảnh 1.

Nhà giáo sẽ có lương được xếp cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp.

Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.

Đồng thời, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí bao gồm sinh viên học trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy.

Và sinh viên học văn bằng thứ 2 theo hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ 1 đạt loại giỏi.

Nhà nước hỗ trợ học phí sư phạm

Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học.

Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023 cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. Đáng chú ý là so với năm học trước, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người. Năm học 2023-2024 cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên các cấp.

Việt Nam đang thiếu 100.000 người làm nghề này, được lương “ưu tiên xếp cao nhất"- Ảnh 2.

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí.

Trong khi đó quy mô đào tạo khối ngành sư phạm không những không tăng mà còn giảm. Quy mô đào tạo khối ngành này năm 2022-2023 chỉ còn 89.321, giảm hơn 62.000 sinh viên so với năm trước. Trong khi đó tình trạng thiếu giáo viên lại tăng lên.

Hiện nay Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, gồm 15 trường đại học sư phạm (6 trường đại học sư phạm, 6 trường đại học sư phạm kỹ thuật, 2 trường sư phạm thể dục thể thao, 1 trường sư phạm nghệ thuật).

Cùng đó là 50 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù có đào tạo giáo viên, 20 trường cao đẳng sư phạm và 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại