Mới đây, cử tri đề nghị nghiên cứu, xem xét, bổ sung vào Bộ luật Lao động năm 2019 một số ngày nghỉ thêm. Trong đó có ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9, tăng thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ ngày 2 đến 5/9).
Như vậy, số ngày nghỉ được đề xuất thêm là 3-4 ngày.
“Việt Nam hiện có 11 ngày nghỉ lễ chính thức gồm Tết dương lịch (1 ngày), Tết Nguyên đán (5 ngày), giỗ Tổ Hùng Vương (1 ngày), ngày Chiến thắng và Quốc tế lao động (2 ngày), Quốc khánh (2 ngày).
Số ngày nghỉ này thấp hơn bình quân chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới khoảng 5-6 ngày", ý kiến cử tri nêu.
Hồi đáp ý kiến của cử tri, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ thời gian nghỉ lễ, Tết cho người lao động được nghiên cứu, đề xuất căn cứ vào nhiều yếu tố như tôn giáo, phong tục, tập quán, ý nghĩa của ngày nghỉ và tác động kinh tế - xã hội.
Việc bổ sung thêm ngày lễ, Tết được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngoài ý nghĩa động viên người lao động cũng sẽ tạo áp lực cho người sử dụng lao động vì đây là ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động.
Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan đánh giá tác động kinh tế - xã hội và nghiên cứu, tham mưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
Nepal nghỉ chính thức 39 ngày lễ mỗi năm
Trong khi đó, theo thống kê của Best Diplomats, Nepal là quốc gia có số ngày nghỉ chính thức nhiều nhất thế giới, lên đến 39 ngày lễ mỗi năm.
“Bí mật đằng sau lịch nghỉ nhiều của Nepal nằm ở bối cảnh tôn giáo và văn hóa của quốc gia này. Là một quốc gia chủ yếu theo đạo Hindu và Phật giáo, Nepal tổ chức nhiều lễ hội trong suốt cả năm”, Best Diplomats diễn giải lý do.
Những ngày lễ này khiến đất nước trở nên tĩnh lặng và cho phép mọi người tụ họp với nhau trong tinh thần cộng đồng và ý nghĩa của lễ kỷ niệm.
Các văn phòng hành chính công và hầu hết các doanh nghiệp tư nhân ở Nepal hoạt động 6 ngày một tuần và chỉ đóng cửa vào thứ Bảy. Các tổ chức quốc tế có quy định riêng và thường đóng cửa vào thứ Bảy và Chủ Nhật.
Các ngày lễ của chính phủ trong năm tới được công bố trên công báo chính phủ Nepal Gazette. Nepal kỷ niệm một số ngày lễ tôn giáo và phi tôn giáo. Vào hầu hết các ngày lễ này, gần như các văn phòng công và các tổ chức tư nhân đều đóng cửa, mặc dù không bắt buộc các doanh nghiệp tư nhân phải đóng cửa và các tổ chức quốc tế có thể vận hành lịch riêng của họ.
Một số sự kiện này là sự kiện dành riêng cho khu vực, tôn giáo hoặc giới tính. Ví dụ, một số ngày lễ nhất định ở Nepal chỉ dành cho phụ nữ. Ngày lễ liên tiếp dài nhất ở Nepal là trong Vijaya Dashami. Lễ hội này có thể dài bảy ngày.
Myanmar kỷ niệm tổng cộng 32 ngày lễ chính thức hàng năm. Một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở Myanmar là Lễ hội té nước Thingyan, đánh dấu năm mới truyền thống. Lễ kéo dài bốn ngày là thời gian để mọi người tụ họp, gột rửa tội lỗi và chào đón năm mới bằng các cuộc chiến nước, âm nhạc và khiêu vũ.
Một ngày lễ quan trọng khác là Ngày Độc lập của Myanmar, kỷ niệm ngày đất nước giành được độc lập khỏi sự cai trị của thực dân Anh vào năm 1948. Các cuộc diễu hành, lễ chào cờ và bài phát biểu của chính quyền được tổ chức vào ngày này.
Sri Lanka có lịch nghỉ theo 3 tôn giáo
Iran, một quốc gia Hồi giáo, có tổng cộng 26 ngày lễ hàng năm. Những ngày lễ này là minh chứng cho bản sắc Hồi giáo và dân tộc mạnh mẽ của đất nước, với sự kết hợp giữa các lễ kỷ niệm tôn giáo và quốc gia.
Ngày lễ quan trọng nhất ở Iran là Năm mới Hồi giáo, được gọi là Nowruz. Một ngày lễ quan trọng khác là Eid al-Fitr, đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan, tháng ăn chay linh thiêng của người Hồi giáo.
Iran cũng kỷ niệm một số ngày lễ quốc gia, bao gồm Ngày Cách mạng Iran, kỷ niệm cuộc cách mạng năm 1979 lật đổ chế độ quân chủ và thành lập Cộng hòa Hồi giáo.
Ở Sri Lanka, tổng cộng có 25 ngày lễ được tổ chức mỗi năm với sự kết hợp giữa các lễ hội của Thiên chúa giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo.
Một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở Sri Lanka là Tết Nguyên đán Sinhalese, được gọi là Aluth Avurudda. Đây là ngày bắt đầu năm mới theo lịch Sinhalese.
Một ngày lễ quan trọng khác là là Wesak, kỷ niệm ngày sinh, ngày giác ngộ và ngày mất của Đức Phật.
Sri Lanka cũng tổ chức một số ngày lễ của Thiên chúa giáo, bao gồm Giáng sinh và Phục sinh. Những ngày lễ này được cộng đồng thiểu số theo đạo Thiên chúa của đất nước này tổ chức, chiếm khoảng 7% dân số.