Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa tổ chức "Hội nghị lấy ý kiến về hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai" với 28 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc.
Dự thảo sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó theo các cấp độ rủi ro thiên tai bao gồm: các loại hình thiên tai, cấp rủi ro và tác động với mỗi loại hình thiên tai. Khung phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai…
Mưa lũ tàn phá các tỉnh miền Trung những ngày qua. Trong ảnh là tường Thành cổ Quảng Trị bị mưa làm sập một đoạn bờ tường.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tại Việt Nam đã ghi nhận 20 loại hình thiên tai trừ sóng thần. Thiên tai hàng năm gây thiệt hại nặng nề về tính mạng người dân cũng như về hạ tầng kinh tế.
Theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Phó chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam - thành viên Ban soạn thảo sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai, sổ tay khi được ban hành sẽ là cơ sở hướng dẫn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành địa phương và người dân triển khai xây dựng phương án và các biện pháp ứng phó thiên tai với tình hình thiên tai thực tế của từng địa phương.
Qua đó nâng cao năng lực ứng phó thiên tai của các tổ chức, đơn vị; nâng cao khả năng phối hợp và hỗ trợ của lực lượng và chính quyền địa phương các cấp nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
“Sổ tay có phần thống nhất về các loại hình thiên tai và phân định những khu vực bị tác động của thiên tai. Tùy từng khu vực thì các loại hình thiên tai điển hình được nêu rõ trong sổ tay để các địa phương và cộng đồng hiểu rõ để chủ động ứng phó. Đơn cử như các loại hình thiên tai ở vùng biển khác với miền núi, đồng bằng khác với vùng trung du”, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ nói.
Các đại biểu cho rằng, sổ tay sẽ là tài liệu tham khảo thiết thực để các địa phương triển khai xây dựng phương án ứng phó đối với các loại hình thiên tai theo chức năng nhiệm vụ được phân công nhằm chủ động ứng phó thiên tai hiệu quả, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, chủ động trong ứng phó thiên tai là vấn đề then chốt, để làm được điều này phải phân định rõ các loại hình thiên tai đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo sớm đối với từng loại hình thiên tai.
“Phòng chống thiên tai đầu tiên phải là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng thôn, Trưởng bản. Chúng tôi sẽ tổ chức hướng dẫn đến các cụm xã trong đó chú trọng vừa tập huấn vừa hướng dẫn cán bộ nông nghiệp ở cấp xã để triển khai các nội dung mới trong sổ tay đến người dân”, ông Nguyễn Xuân Nhẫn cho biết.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, Dự thảo sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai sẽ được trình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phê duyệt thông qua làm cơ sở để các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện.