Trong bài viết gần đây, Nikkei Asia đã ví Việt Nam giống như thỏi nam châm của ngành chip, thu hút các tập đoàn lớn nhờ nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.
Ngành chip lên ngôi
Khi về thăm trường đại học cũ của mình ở Việt Nam, Trần Thị Ngọc Gương cảm thấy bất ngờ khi các các sinh viên lại tò mò về ngành thiết kế chip đến vậy.
"Mọi người đặt ra rất nhiều câu hỏi một cách chi tiết", cô nói với Nikkei Asia. "Tôi đã rất ngạc nhiên".
Một sinh viên tâm sự về việc vừa chuyển sang chuyên ngành của cô; một sinh viên khác hỏi về những vấn đề khó hiểu như "clock tree", một khái niệm về mạch thiết kế phần cứng - thứ mà Gương chưa từng tiếp cận khi còn là sinh viên.
Rất nhiều thứ đã thay đổi trong 5 năm giữa thời điểm Gương tốt nghiệp và đảm nhiệm vị trí kỹ sư cao cấp về thiết kế tại công ty phát triển chip Marvell của Mỹ. Hiện tại, những sinh viên Việt Nam trẻ trung đang nhảy vào lĩnh vực bán dẫn và chính phủ có mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư và nhà thiết kế chip vào năm 2030.
"Tôi không nghĩ một ngày nào đó mình sẽ làm việc trong một lĩnh vực hot như vậy", Gương, 26 tuổi, chia sẻ.
Sức nóng của chip đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố. Đầu tiên là nhu cầu về kỹ sư chip tăng cao trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo bùng nổ. Sự thay đổi chuỗi cung ứng do căng thẳng Mỹ-Trung gây ra cũng đang thúc đẩy nhu cầu về nhân tài trong nước. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng ở các nền kinh tế chip truyền thống như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), cũng như Mỹ, khiến các công ty phải đi tìm kiếm nhân lực ở những nơi xa hơn.
Alchip Technologies, nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip AI hàng đầu có trụ sở ở Đài Loan (Trung Quốc), đang mở rộng đội ngũ R&D (nghiên cứu và phát triển) sang Việt Nam, nơi họ có kế hoạch mở văn phòng đầu tiên trong năm nay. Công ty có khả năng sẽ tăng số lượng nhân sự lên tới 100 kỹ thuật viên trong vòng hai đến ba năm, Giám đốc tài chính Daniel Wang cho biết.
"Sau khi đánh giá một số điểm đến ở Châu Á để mở rộng nhóm R&D, chúng tôi nhận ra rằng việc thu hút nhân tài ở các nền kinh tế công nghệ đã phát triển như Nhật Bản có thể là thách thức đối với một công ty có quy mô như Alchip", Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Johnny Shen cho biết.
"Nguồn nhân lực kỹ thuật triển vọng của Việt Nam và đạo đức nghề nghiệp to lớn đã trở thành lựa chọn vô cùng hấp dẫn đối với chúng tôi. Chúng tôi rất ấn tượng trước sự tận tụy và cam kết của các kỹ sư Việt Nam, những người luôn khao khát học hỏi và cống hiến".
GUC và Faraday Technology, hai công ty cung cấp dịch vụ thiết kế chip liên kết cho TSMC và UMC, cũng đang đầu tư vào Việt Nam để tìm kiếm các kỹ sư trẻ.
Tương tự như vậy, các công ty Hàn Quốc cũng chuyển hướng sang Việt Nam để bù đắp phần nào đó tình trạng chảy máu chất xám tại thị trường quê nhà.
"Nguồn nhân lực trình độ cao ở đất nước chúng tôi có thể dễ dàng đến Mỹ sau quá trình học tập chăm chỉ. Nhiều người trong số họ gia nhập Nvidia với mức lương sáu chữ số hoặc thậm chí là hàng triệu USD", CEO của MetisX Jin Kim cho biết cho biết trong một cuộc họp gần đây giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và Khởi nghiệp Hàn Quốc.
"Chúng tôi cần cung cấp một gói đủ sức cạnh tranh, nhưng công ty đơn lẻ không thể tự mình làm điều đó".
Ngoài trợ cấp cho R&D, các giám đốc điều hành đã kêu gọi một hệ thống giáo dục nhằm đào tạo nhân viên nước ngoài và nới lỏng các quy định về thị thực để thu hút nhân tài. Quốc gia được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc thảo luận là Việt Nam.
Ghi điểm
BOS Semiconductors của Hàn Quốc đã tới Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2022 để thành lập một nhóm hỗ trợ. Nhưng khi các giám đốc điều hành bay qua lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, so sánh hai nhóm nhân viên, chất lượng kỹ sư Việt Nam đã thuyết phục họ phải nâng cấp nhóm.
"Họ nhận ra rằng đây có thể là một trung tâm R&D chính", giám đốc phụ trách thị trường Lim Hyung Jun cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Điều đó thực sự bất ngờ".
BOS thiết kế chip AI, bao gồm cả cho xe tự lái, cho các khách hàng ô tô như Hyundai. Lim cho biết việc đạt được một mục tiêu có chip được thiết kế tại Việt Nam sẽ chứng minh được chất lượng của nhân lực nơi đây.
"Điều này có thể định hình xu hướng thị trường", ông nói.
Việc cung cấp đủ lao động công nghệ trong thời điểm thiếu hụt có thể giúp Việt Nam đạt được một trong những ước mơ ấp ủ từ lâu: nâng cao chuỗi giá trị công nghệ.
Marvell mô tả Việt Nam là "vị trí chiến lược để phát triển nhân tài kỹ thuật".
"Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thiết kế chip lớn thứ ba của Marvell, chỉ sau trụ sở chính tại Mỹ và Ấn Độ", Lê Quang Đạm, tổng giám đốc Marvell Việt Nam, chia sẻ với Nikkei Asia.
Ông cho biết, đội ngũ tại Việt Nam "có khả năng thực hiện hoạt động R&D về công nghệ chip tiên tiến nhất".
Synopsys, nhà sản xuất công cụ thiết kế chip hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ, là một trong những công ty tích cực nhất đầu tư vào Việt Nam, nơi hiện có hơn 500 nhân viên tại nhiều trung tâm thiết kế ở nhiều thành phố.
Robert Li, Phó chủ tịch phụ trách bán hàng Đông Nam Á của Synopsys, chia sẻ với Nikkei Asia rằng: "Mức độ quan tâm cao của sinh viên và lực lượng lao động Việt Nam đối với việc đào tạo kỹ thuật bán dẫn, cùng với nguồn tài trợ và các chương trình của chính phủ, đang góp phần đưa đất nước này trở thành trung tâm nhân tài về bán dẫn".
Brian Chen, đối tác tại KPMG Đài Loan (Trung Quốc) và KPMG Việt Nam, cho biết nhu cầu về kỹ năng kỹ thuật trình độ cao tại Việt Nam lớn hơn nhiều so với nguồn cung, do cuộc chiến công nghệ Trung - Mỹ khiến nhiều công ty chuyển hoạt động sang Đông Nam Á.
"Chúng tôi nhận thấy rằng trong thời kỳ COVID, nhiều tài năng kỹ thuật địa phương đã chuyển về Việt Nam từ các quốc gia Đông Nam Á khác, chẳng hạn như Singapore. Nhưng vẫn còn nhiều chỗ cho nguồn nhân tài phát triển, vì nhiều công ty công nghệ đang mở rộng hoạt động tại quốc gia này", Chen, người đã sống tại Việt Nam nhiều năm, chia sẻ với Nikkei Asia.
Ông Chen cho biết, so với Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc, năng suất và mức lương của các kỹ sư tại Việt Nam khiến quốc gia này trở nên hấp dẫn đối với các công ty, trong khi nỗ lực mạnh mẽ của chính phủ nhằm phát triển nền kinh tế công nghệ tiên tiến hơn đã giúp mở rộng và cải thiện nhóm ứng viên.
Theo trang web cung cấp nguồn lực nghề nghiệp Salary Explorer, các kỹ sư Việt Nam kiếm được trung bình 665 USD một tháng, thấp hơn mức 5.627 USD của các đồng nghiệp ở Singapore, 3.782 USD ở Đài Loan (Trung Quốc), 2.826 USD ở Hàn Quốc và 1.313 USD ở Malaysia.
Ông Đạm đồng ý rằng động lực chính là xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu do sự gián đoạn của COVID và căng thẳng Mỹ - Trung, theo ông, điều này đã dẫn đến "nhiều khoản đầu tư chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc sang Việt Nam". Ông cho biết Việt Nam cũng ổn định về mặt chính trị cũng như tiết kiệm chi phí.