Chỉ trong 10 ngày đầu tiên năm 2017, một loạt ngân hàng thương mại cùng công bố thông tin về kết quả hoạt động 2016, với những con số so kè sít sao ở nhóm dẫn đầu.
Theo thông tin phản ánh kết quả sơ bộ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đến hết 2016 đã đạt tổng tài sản hơn 1 triệu tỷ đồng. Thậm chí có cả đánh giá BIDV “tiếp tục khẳng định vững chắc vị trí số 1 Việt Nam”.
Từ hàng chục năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn là ngân hàng số 1 Việt Nam về quy mô tổng tài sản. Đến cuối 2016, quy mô cụ thể chưa được công bố, còn tính đến 30/9/2016 là khoảng 980.000 tỷ đồng.
Nói là ngân hàng số 1 Việt Nam, không sai về quy mô. Mặt khác, quy mô tổng tài sản thường đi cùng với mức độ chiếm lĩnh thị phần. Tuy nhiên, số 1 ở đây chưa hẳn đã giá trị nhất, nếu có những phân tích và so sánh chi tiết hơn về chất lượng tài sản.
Theo đó, trong nhiều thông tin so sánh để tìm “ngân hàng số 1” Việt Nam hiện nay, chỉ tiêu lợi nhuận vẫn là một tiêu chí có sức nặng.
Bước đầu, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) tiếp tục là thành viên có con số lợi nhuận trước thuế năm 2016 cao nhất hệ thống về giá trị tuyệt đối, ước đạt 8.250 tỷ đồng. Trong khi đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp rất sát với con số 8.212 tỷ đồng.
Sự sít sao này vẫn phải chờ đến phút cuối, qua báo cáo tài chính được kiểm toán một cách rõ ràng, riêng lẻ và hợp nhất. Còn BIDV năm 2016 đã lùi xuống hẳn trong so sánh này, với con số khoảng 7.500 tỷ đồng.
Cả BIDV, VietinBank và Vietcombank có quy mô vốn điều lệ không quá chênh lệch nhau. Tuy nhiên, quy mô tổng tài sản, tổng dư nợ lại chênh khá lớn, trong đó Vietcombank thấp hơn đáng kể. Cân lại, có các chỉ tiêu tài chính như ROE, ROA để so sánh hiệu quả. Và nếu theo những chỉ tiêu này, dự kiến Vietcombank có thể là “ngân hàng số 1”.
Thế nhưng, ROE và ROA của những ngân hàng thương mại cổ phần hiệu quả khác hiện vẫn chưa công bố để so sánh.
Ngay cả khi tất cả các ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh cụ thể năm qua, vị trí “ngân hàng số 1” Việt Nam vẫn rất khó xác định.
Bởi lẽ, báo cáo tài chính của các ngân hàng vẫn chưa phản ánh những kết quả thực sự cùng chuẩn: vẫn còn những khoản nợ xấu lớn khác nhau nằm ở VAMC, gắn với mức độ trích lập dự phòng khác nhau mà lợi nhuận theo đó có thể khác đi.
Trong tình huống trên, năm 2016 mới duy nhất chỉ Vietcombank tuyên bố đã đưa tất cả nợ xấu về “một sổ”, cũng như thực hiện trích quỹ dự phòng lên tới 121% tổng nợ xấu.
Nếu Vietcombank không đi trước một bước như vậy, các so sánh về con số lợi nhuận, rồi ROE, ROA với các thành viên chắc chắn sẽ rất khác, vị trí “ngân hàng số 1” về hiệu quả cũng có thể sẽ rất khác.
Hay ở một chỉ tiêu khác, “ngân hàng số 1” Việt Nam về quy mô nhân sự vẫn thuộc về Agribank với gần 40.000 lao động, kế đến BIDV với hơn 23.000 người, VietinBank có hơn 21.000 người, trong khi Vietcombank chỉ có gần 15.000 người.
Nhưng ngược lại, người của Vietcombank lại có thể nhận vị trí số 1 thuộc về mình, vì ít lao động hơn hẳn những lại tạo được lợi nhuận vượt trội.
Và còn ở một chỉ tiêu ngoài mong muốn khác, đâu là “ngân hàng số 1” Việt Nam về nợ xấu, hay ngân hàng nào kiểm soát chất lượng tín dụng tốt nhất? Hiện chủ yếu mới chỉ nhóm ngân hàng lớn trên công bố con số cuối 2016.
Theo đó, dự kiến VietinBank kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu tốt nhất, dưới 1%; Vietcombank cũng khả quan với 1,45%; BIDV cũng rất thấp với 1,47%; Agribank cũng có “con số đẹp” dưới 2%. Tuy nhiên, mức độ nợ xấu của mỗi thành viên còn nằm tại VAMC hiện chưa có thông tin cụ thể, ngoại trừ Vietcombank đã xoá được bằng 0.
Tựu trung, Việt Nam hiện có nhiều “ngân hàng số 1” nếu xác định theo các tiêu chí khác nhau. Và do vấn đề sổ sách, việc xác định vị trí số 1 theo một tiêu chí nào đó cũng có thể chưa hẳn đã chắc chắn.