Mô hình độc lạ này mô hình luân canh lúa – tôm.
Theo đó, trong khuôn khổ của chương trình hội thảo "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt" do báo Tuổi Trẻ phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ở Sóc Trăng, ngày 11/12, đoàn chuyên gia của Trung tâm ASEAN – Nhật Bản đến tham quan trại sản xuất giống của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng như mô hình luân canh lúa – tôm ở xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng).
Mô hình ở Việt Nam chưa có quốc gia nào làm được
Đáng chú ý, sau khi tiến hành tham quan nhà máy chế biến gạo và khu sản xuất lúa giống của doanh nghiệp là gia đình ông Hồ Quang Cua và mô hình sản xuất lúa – tôm, các chuyên gia đã trao đổi với "cha đẻ" giống gạo ST25 "ngon nhất thế giới" về quy trình chế biến gạo và cách làm sao để giữ được chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, các chuyên gia cũng rất quan tâm tới việc chia sẻ lúa giống cho nông dân được thực hiện ra sao, cũng như hiệu quả của mô hình luân canh lúa – tôm.
Theo ông Hồ Quang Cua, kể từ năm 2000, khi Nhà nước có chủ trường cho tiến hành sản xuất luân canh một vụ lúa – một vụ tôm sú, thu nhập của người nông dân đã tăng lên đáng kể.
Theo Tuổi Trẻ , Anh hùng lao động Hồ Quang Cua chia sẻ: "Nhờ cơ cấu mùa vụ luân canh, năng suất nuôi tôm và trồng lúa đều tăng đáng kể. Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá luân canh lúa - tôm là mô hình độc, lạ và hiệu quả, chưa có quốc gia nào làm được".
Về giống lúa thơm ST25, do phù hợp với cơ cấu vùng nên có tới hàng trăm ngàn ha bén duyên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đại diện lãnh đạo của huyên Mỹ Xuyên cho biết, địa phương này hiện có 17.000 ha canh tác theo mô hình lúa – tôm. Trong đó có 50% diện tích canh tác giống lúa thơm ST25.
Trên thực tế, không chỉ góp phần giúp cải tạo môi trường, trồng giống lúa thơm ST25 trên nền đất nuôi tôm còn làm cho năng suất cao, với trên 6 tấn/ha/vụ. Minh chứng là trong thời gian qua, do lúa ST25 bán được giá nên người nông dân đạt lợi nhuận lên tới hơn 100 triệu đồng/ha/vụ.
"Cha đẻ" của gạo ST25 cho biết, thu hoạch, chế biến và đóng gói chỉ được coi là một khâu trong chuỗi sản xuất lúa thơm. Theo ông, để có hạt gạo thon dài, bong, chất lượng cao thì khâu chọn giống đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, ông Cua và các cộng sự luôn không ngừng nghỉ để tiến hành chọn lọc, nghiên cứu nhằm giữ ổn định chất lượng.
Sau khi ST25 được công nhận là giống lúa quốc gia, theo ông Hồ Quang Cua, ai cũng có thể khai thác giống lúa này để tiến hành nhân rộng và chung sức góp phần làm rạng danh gạo Việt.
Vì sao phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt?
Trước đó, tại hội thảo " Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt " ngày 10/12, Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua, cho biết, các quốc gia xây dựng thương hiệu gạo thành công nhất thế giới là Ấn Độ và Thái Lan đều tập trung vào một giống. Trong đó, Ấn độ có giống Basmati và Thái Lan có Hom Mali. Trên thực tế, sau khi tập trung cho một giống lúa gạo, hai quốc gia này luôn có tiêu chuẩn độ thuần. Chính vì vậy, theo "cha đẻ" của gạo ST25, Việt Nam cũng phải tuân thủ theo luật chơi của quốc tế và không thể làm khác.
Kỹ sư Hồ Quang Cua lưu ý rằng, độ thơm chính là tinh túy của gạo và các quốc gia hiện nay đều chọn độ thơm để làm thương hiệu. Tiêu chuẩn tiếp theo là độ thuần và tiêu chi về gạo trắng hay độ ẩm… chỉ là bình thường.
Theo ông, ở Việt Nam, tình trạng xâm nhiễm hóa chất quá nhiều là do vấn đề thâm canh. Do đó, trong vấn đề xây dựng thương hiệu tại Việt Nam, bên cạnh tiêu chuẩn về độ thuần, gạo Việt cần hạn chế hóa chất để gạo có hương vị tự nhiên (chẳng hạn giảm thuốc hóa học bằng thuốc hữu cơ, giảm phân hóa học bằng phân sinh học). Đồng thời tránh lúa chín vào thời điểm mưa dầm hoặc nắng quá gắt thì sẽ giữ được độ thơm của gạo.
Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua góp ý rằng, rất mừng là năm nay khi Việt Nam bước vào thị trường gạo cao cấp của thế giới, hành vi của doanh nghiệp và nông dân đã thay đổi nhiều. Hiện nay, cả doanh nghiệp và người dân đều từng bước yêu cầu và hỗ trợ qua lại lẫn nhau nhằm nâng cấp chất lượng sản phẩm. Đây được coi là yếu tố cho gạo Việt tiến bước lên.
Tại hội thảo này, ông Phạm Thái Bình, chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết nếu nói Việt Nam chưa thành công trong việc xây dựng thương hiệu gạo thì không hẳn đúng. Bởi thực tế Philippines nhập khẩu gạo của Việt Nam rất nhiều, ngay cả khi Ấn Độ mở cửa cho xuất khẩu gạo trở lại với giá gạo rất rẻ. Điều này cho thấy rằng thị trường tại quốc gia này có lòng tin vào gạo Việt. Theo ông, xây dựng thương hiệu gạo thành công chính là xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng.
Theo ông Phạm Thái Bình đề xuất, chúng ta lấy giống lúa nào để có đặc trưng của quốc gia. Chẳng hạn, Ấn Độ có Basmati, Thái Lan có Hom Mali, Nhật Bản có Japonica… Việt Nam có ST25 vang lừng trên thế giới. Dù hiện nay sản lượng xuất khẩu chưa nhiều, nhưng có thể lấy ST25 để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Theo ông, khi Việt Nam có gạo ngon nhất thế giới là thương hiệu quốc gia thì các loại gạo khác cũng sẽ được hưởng lợi theo. Vị doanh nhân này nhấn mạnh rằng, Việt Nam nên lấy gạo ST25 làm giống lúa tiêu biểu.
Bên cạnh đó, ông Phạm Thái Bình cũng lưu ý rằng, xây dựng thương hiệu nên bắt đầu tư đồng ruộng tới bàn ăn, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu gạo phải xây dựng cả chuỗi, bao gồm từ khâu giống tới đồng ruộng, sản xuất và chế biến. Theo ông, khi chúng ta xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng thì sẽ thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt.
Mô hình luân canh lúa – tôm được các nhà chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp gọi là mô hình sản xuất thông minh. Bởi đây là mô hình sản xuất bền vững và sống chung với biến đổi khí hậu. Ưu điểm của mô hình này là rất thân thiện với môi trường, dễ dàng áp dụng những giải pháp quản lý tổng hợp, giảm nhu cầu về sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất lúa, đồng thời giúp cải tạo đất, trừ sâu hại…