Theo đó, vào sáng 26/6, tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên thảo luận với GS. Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF.
Trọng tâm của phiên thảo luận này là tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam; đồng thời tập trung vào chuyển đổi số, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và vai trò Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và các quốc gia chịu ảnh hưởng kéo dài từ hậu quả của đại dịch Covid-19, các yếu tố như phân cực, căng thẳng, xung đột, cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu…, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng, đồng thời có biện pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Kết quả, năm 2022, GDP Việt Nam tăng trưởng 8,02%, năm 2023 đạt 5,5% và trong năm 2024, quý I đạt 5,66%, quý II ước đạt cao hơn quý I và tiếp tục xu hướng tăng cao hơn trong nửa cuối năm. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát và những cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn nhiều giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm mất giá ít nhất so với các quốc gia trong khu vực.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không thiếu điện, với các giải pháp đồng bộ về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện và giá điện. Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, bảo đảm các quyền. lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, định hướng của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc và ưu tiên các dự án trong lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối, đặc biệt là phục vụ các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển mạnh một số lĩnh vực mới có tính đột phá, chiến lược như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Dự án đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam
Tại phiên thảo luận, về vấn đề thúc đẩy phát triển xanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải tiến hành triển khai những giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất, nâng cao nhận thực về phát triển xanh. Thứ hai, xây dựng thể chế, cơ chế và chính sách ưu tiên phù hợp. Thứ ba, huy động nguồn lực hợp tác công tư. Thứ tư, xây dựng hạ tầng chuyển đổi xanh, nhất là hạ tầng về điện và sóng viễn thông. Thứ năm, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Thứ sáu, nâng cao năng lực quản trị xanh. Cuối cùng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả nước, cả hệ thống chính trị cũng như phối hợp đồng bộ va chặt chẽ giữa các ngành.
Thủ tướng cho biết thêm, Việt Nam đang rất tích cực để giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo Báo điện tử Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là dự án đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này.
Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" được coi là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL. Việc thực hiện Đề án giúp tạo thành vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với hợp tác xã và doanh nghiệp.
Mục tiêu chung của Đề án này chính là hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với việc tiến hành tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững để gia tăng giá trị cũng phát triển bền vững của ngành lúa gạo.
Thực hiện Đề án góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người nông dân trồng lúa và đặc biệt là giúpbảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề án giúp giảm phát thải khí nhà kính giảm trên 10%, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Theo kế hoạch, Đề án được triển khai thực hiện tại 12 tỉnh ĐBSCL, bao gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), gạo là nguồn lương thực chính đối với hơn 3,5 tỷ người (tương đương với gần một nửa dân số thế giới) và cung cấp khoảng 20% nguồn cung năng lượng trong bữa ăn toàn cầu. Trong những năm qua, Việt Nam trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (cùng với Ấn Độ và Thái Lan).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dự kiến sản xuất lúa cả nước năm nay sẽ đạt 43 triệu tấn. Sản lượng này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn.